Chế độ ăn giàu trái cây có thể làm giảm nguy cơ phình mạch
Nghiên cứu cho thấy, một người ăn 160 gram trái cây mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh phình động mạch chủ bụng thấp hơn 31% so với người không ăn trái cây.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Circulation thuộc Hiệp hội Tim mạch Mỹ, các nhà nghiên cứu đã chia hơn 80.000 người Thụy Điển, 46-84 tuổi, thành 4 nhóm dựa trên số lượng trái cây và rau họ ăn, từ ít nhất đến nhiều nhất. Những người này được theo dõi trong 13 năm, kết quả cho thấy gần 1.100 người bị phình động mạch chủ bụng, trong đó có 222 người bị vỡ túi phình. Hơn 80% các trường hợp là nam giới.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, những người ăn nhiều trái cây nhất – hơn hai khẩu phần trái cây mỗi ngày (một khẩu phần trái cây khoảng 80 gram, không tính nước trái cây) có nguy cơ mắc bệnh phình động mạch chủ bụng thấp hơn 25% và nguy cơ bị vỡ phình thấp hơn 43% so với những người ăn ít hơn một khẩu phần trái cây mỗi ngày.
Trong khi đó, những người ăn hai phần trái cây mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn 31% và nguy cơ bị vỡ phình thấp hơn 39% so với người không ăn bất kỳ loại trái cây nào. Các loại trái cây thường được ăn nhất là táo và lê, tiếp theo là chuối và các loại quả thuộc họ cam quýt.
“Ăn nhiều trái cây có thể giúp ngăn ngừa nhiều bệnh về mạch máu và nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, một trong những lợi ích đó là có thể giảm nguy cơ mắc chứng phình động mạch chủ bụng”, Tiến sĩ Otto Stackelberg, tác giả chính của nghiên cứu, làm việc tại Viện Y học Môi trường tại Karolinska Institutet, Stockholm, Thụy Điển, cho biết trong một thông cáo.
Theo các nhà nghiên cứu, hàm lượng chất chống oxy hóa cao trong trái cây có thể chống lại chứng phình động mạch chủ bụng bằng cách giảm viêm. Tuy nhiên, họ cũng phát hiện ra rằng ăn nhiều rau giàu chất chống oxy hóa không làm giảm nguy cơ bị phình động mạch chủ bụng. Theo Stackelberg, rau thiếu một số loại chất chống oxy hóa có trong trái cây.
“Nhưng rau vẫn quan trọng đối với sức khỏe”, Stackelberg nói. “Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng ăn nhiều trái cây và rau củ có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2, huyết áp cao và một số bệnh ung thư”, tiến sĩ cho biết thêm.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị, người lớn nên ăn khoảng 4-5 khẩu phần trái cây và rau mỗi ngày để bổ sung các chất dinh dưỡng quan trọng gồm folate, magie, kali, chất xơ và các loại vitamin A, C và K.
Phình động mạch chủ bụng có thể được phát hiện qua siêu âm. Bệnh phổ biến nhất ở nam giới trên 60 tuổi, những người có ít nhất một yếu tố nguy cơ bao gồm cholesterol cao, huyết áp cao, béo phì, yếu tố di truyền hoặc hút thuốc.
Theo Mayo Clinic, động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, chạy từ tim qua trung tâm ngực và bụng. Động mạch chủ bụng cung cấp máu chủ yếu cho các cơ quan trong ổ bụng và phần dưới cơ thể. Bình thường, đường kính của động mạch chủ bụng khoảng 2 cm.
Vì một lý do nào đó, kích thước của nó có thể to ra bất thường ở một đoạn, tạo thành một chỗ phình lên như cái túi. Ở túi phình này, máu dễ tạo huyết khối gây tắc mạch. Vách của túi phình cũng yếu hơn chỗ khác, dễ nứt vỡ (nhất là ở người bị cao huyết áp). Do đó, túi phình động mạch được ví như một “quả bom” và có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Phình động mạch phát triển chậm trong nhiều năm và có thể không xuất hiện triệu chứng, nhưng bệnh có thể gây xuất huyết, đe dọa tính mạng. Các triệu chứng của vỡ phình động mạch chủ bụng gồm đau bụng dữ dội và đột ngột, da sần sùi, chóng mặt, nhịp tim nhanh, buồn nôn, nôn mửa và sốc. Người bệnh nên đi khám nếu bắt đầu có các triệu chứng này.