Thị trường bất động sản công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021

Bất chấp sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 trong thời gian gần đây tại Việt Nam, các dự án khu công nghiệp (KCN) mới vẫn tiếp tục được phát triển và các dự án công nghiệp trọng điểm đã bắt đầu đi vào hoạt động. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020, với hàng chục dự án KCN tại 13 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt, hứa hẹn cung cấp hàng nghìn ha diện tích đất cho các nhà đầu tư trong vài năm tới.

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận Bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận Bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam nhận định “Việc giãn cách xã hội và hạn chế đi lại trong nước tiếp tục gây khó khăn cho các chủ đầu tư đang tìm kiếm khách hàng thuê đất, nhà xưởng và nhà kho, vì các nhà đầu tư và khách thuê tiềm năng không thể trực tiếp đến tham quan và khảo sát các dự án ở các tỉnh khác. Tuy nhiên, việc triển khai tiêm chủng cộng đồng và những hứa hẹn về chương trình hộ chiếu vắc xin đang tạo niềm tin cho các chủ sở hữu bất động sản cũng như các nhà đầu tư. Với những trở ngại mà phân khúc này phải đối mặt, bất động sản công nghiệp đang phải tiếp tục cuộc chiến của mình trong làn sóng đại dịch thứ tư này.”

Hoạt động sản xuất công nghiệp

Theo Trading Economics, trong tháng 6/2021 hoạt động sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức tăng 11,8% trong tháng 5. Điều này đánh dấu mức tăng trưởng của sản lượng công nghiệp trong bốn tháng liên tiếp do đại dịch COVID-19, với sản lượng sản xuất , đạt mức 11,6% so với 14,4% trong tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số PMI sản xuất

Theo IHS Markit, chỉ số PMI Manufacturing (Quản lý thu mua sản xuất) của Việt Nam đã giảm từ mức 53,1 vào tháng 5/2021 xuống còn 44,1 vào tháng 6/2021.Ông John đánh giá thêm “Chỉ số quản lý thu mua sụt giảm đã cho thấy hoạt động kinh doanh gặp khó khăn lớn nhất kể từ tháng 5/2020 và con số này đã kết thúc giai đoạn tăng trưởng kéo dài 6 tháng, giữa lúc đất nước phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và đóng cửa công ty tạm thời bởi làn sóng thứ tư của đại dịch. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm và giảm mạnh nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu lây lan. Đây cũng là lần đầu tiên số lượng việc làm giảm sau 5 tháng. Hơn nữa, đại dịch cũng ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng, dẫn đến thời gian giao hàng kéo dài. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát chi phí đầu vào vẫn ở mức rõ rệt và các doanh nghiệp đã tăng nhẹ giá bán. Nhìn chung, các công ty vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới.”

Nguồn cung đất công nghiệp mới

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong Q1/ 2021, cả nước có 370 KCN với tổng diện tích 115.200 ha. Trong đó có 328 KCN đang hoạt động ngoài các khu kinh tế (KKT), 24 KCN nằm trong các KKT ven biển và 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu. Các dự án này đã tạo ra khoảng 3,6 triệu việc làm cho người lao động.

Hàng chục dự án KCN tại 13 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt trong Q1/2021, hứa hẹn cung cấp hàng nghìn ha diện tich đất cho các nhà đầu tư trong vài năm tới. Bắc Ninh có số lượng dự án lớn nhất với 5 KCN sắp triển khai. Chẳng hạn như KCN Quế Võ III với diện tích 208,54 ha, có tổng vốn đầu tư 120,87 triệu USD; hay KCN Gia Bình II với diện tích 250 ha (do Tập đoàn Hanaka phát triển) có tổng vốn đầu tư 172,17 triệu USD. Quảng Trị cũng kỳ vọng vào các dự án mới như KCN Triệu Phú với tổng diện tích gần 529 ha. Ngoài ra, có thể kể đến KCN Quảng Trị có diện tích 481,2 ha, tổng vốn đầu tư 90,17 triệu USD, được phát triển bởi liên doanh 3 nhà đầu tư gồm KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) và Công ty cổ phần Amata City Biên Hòa. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng kỳ vọng một số KCN mới với tổng nguồn cung 500 ha như Sông Lô, Tam Đường 1, Thái Hòa – Liên Sơn – Liên Hòa. Ngoài ra, các dự án mới dự kiến sẽ được phát triển tại Hải Dương, Vĩnh Long, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Nam Định và Nghệ An. Ở khu vực phía Nam, UBND tỉnh Đồng Nai đang có kế hoạch phát triển thêm 3 KCN với tổng diện tích 6.475 ha nhằm giải quyết tình trạng quá tải của các KCN hiện nay. Có ba KCN đáng chú ý bao gồm KCN Long Đức (3.253 ha), KCN Bàu Cạn-Tân Hiệp (2.627 ha) ở huyện Long Thành, và KCN Xuân Quế – Sông Nhạn (3.595 ha) ở huyện Cẩm Mỹ. Ba KCN này của Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển các KCN công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030..