Nổi gân xanh ở tay là bệnh gì?

Nổi gân xanh ở tay thực chất là tình trạng các tĩnh mạch phía dưới da nổi lên. Khi nhận thấy hiện tượng nổi gân xanh trên bàn tay của mình rõ ràng và đậm màu hơn người khác khiến cho nhiều người không khỏi thắc mắc và lo lắng.

Gân xanh chính là các đường tĩnh mạch nằm ở dưới da. Những mạch máu có chức năng vận chuyển máu từ các bộ phận trên cơ thể trở về tim. Tay nổi gân xanh ở vài người được cho rằng là hiện tượng sinh lý tự nhiên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng bên cạnh đó chúng ta không nên quá xem thường vì chúng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó.

Nguyên nhân khiến tay nổi gân xanh

Do vận động mạnh

Khi vận động hoặc chơi các môn thể thao như bộ môn cử tạ, các cơ trong cơ thể sẽ căng lên và đẩy các tĩnh mạch dưới da nổi gồ lên bề mặt da và gây nên hiện tượng nổi gân xanh trên tay tạm thời.

Nổi gân xanh ở phụ nữ mang thai

Trong giai đoạn mang thai tình trạng nổi gân xanh thường nổi nhiều hơn so với người thường do tăng lượng máu để nuôi dưỡng em bé vì vậy các mạch máu căng lên và nổi rõ lên trên da. Sau khi sinh xong các tĩnh mạch bị nổi phồng lên sẽ trở lại bình thường. Trường hợp nếu thai quá lớn hoặc mang thai nhiều lần có thể sẽ dẫn đến tình trạng tĩnh mạch bị suy yếu hoặc bệnh giãn tĩnh mạch.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch

Mặc dù bệnh này thường xảy ra nhất ở chân, nhưng chứng giãn tĩnh mạch cũng có thể xuất hiện ở bàn tay hoặc cánh tay.

Các tĩnh mạch giãn rộng, có thể phình ra do máu đọng lại trong tĩnh mạch. Điều này xảy ra khi các van một chiều bên trong tĩnh mạch bị nghẽn lại hoặc suy giãn tĩnh mạch do tuổi tác. Thay vì giữ cho máu chảy ngược với trọng lực về phía tim, các van tĩnh mạch để máu rò rỉ trở lại bàn tay.

Quan sát bằng mắt thường cũng là một cách nhận biết dễ nhất về bệnh giãn tĩnh mạch tay bởi các đường gân xanh nổi ngoằn ngoèo và phồng lên trên da. Tuy nhiên nếu cảm thấy bất thường về tình trạng nổi gân xanh gây đau nhức, các cơ co rút lại khi về đêm thì hãy cân nhắc đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và được điều trị kịp thời.

Do da mỏng và trắng

Những người có làn da trắng thường sẽ dễ nhìn thấy gân xanh hơn những người có làn da đen và ngăm. Làn da mỏng cũng là một trong những yếu tố làm lộ rõ gân guốc, tình trạng này thường gặp ở những người lớn tuổi do quá trình lão hóa da làm suy giảm lớp Collagen khiến cho da mỏng hơn và lộ rõ tĩnh mạch.

Do quá gầy

Đối với một số người thiếu cân nặng do quá gầy, lớp mỡ dưới da ít dẫn đến việc không che phủ được hết các đường tĩnh mạch, các tĩnh mạch trở nên nổi bật và phồng lên trên da. Trường hợp này thường gặp ở người cao tuổi hoặc thiếu cân nặng.

Điều trị

Tùy theo các nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng nổi gân xanh sẽ có thể cần phải điều trị hay không, việc điều trị phụ thuộc vào các yếu tố nguyên nhân.

Đối với những trường hợp bàn tay nổi gân không phải do tình trạng bệnh lý tĩnh mạch và không ảnh hưởng gì tới sức khỏe nhưng gây mất thẩm mỹ, đặc biệt ở chị em phụ nữ thì người bệnh nên lưu ý những việc sau:

  • Thực hiện các bài tập giãn cơ trước và sau khi vận động hay tập thể dục.

  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh, đủ chất để giảm nguy cơ độc tố bị ứ đọng trong cơ thể.

  • Tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng và thư giãn như yoga, thiền để hạn chế tình trạng căng thẳng, giảm stress.

  • Sử dụng phương pháp massage tay và bàn tay thường xuyên với nước ấm để chúng được thư giãn tránh tình trạng suy giãn tĩnh mạch, đặc biệt đối với người cao tuổi, các mẹ bầu.

Đối với các trường hợp tay nổi gân xanh là do các bệnh lý suy giãn tĩnh mạch, để điều trị hiệu quả cũng như tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và đưa ra các phương pháp điều trị cụ thể theo từng tình trạng bệnh.

  • Điều trị bằng thuốc: nếu giãn tĩnh mạch xảy ra do viêm tĩnh mạch có thể sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm kết hợp chườm ấm để giảm đau. Còn nếu có hình thành cục máu đông, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định dùng thuốc giảm đau và thuốc chống đông máu.

  • Liệu pháp laser: đây là phương pháp điều trị sử dụng sóng cao tần hoặc sóng radio để loại bỏ những đoạn tĩnh mạch bị suy giãn.

  • Phẫu thuật cắt bỏ: bệnh nhân cũng có thể được loại bỏ các đoạn tĩnh mạch bị suy giãn qua tiểu phẫu ở tay.

  • Điều trị xơ cứng: tĩnh mạch của người bệnh sẽ được tiêm thuốc gây xơ. Thuốc này có chứa hóa chất nhằm gây tổn thương lớp nội mạc mạch máu khiến lòng mạch bị xơ hóa và dính lại, từ đó các tĩnh mạch đã bị suy giãn sẽ được loại bỏ.