Chế độ ăn uống để hỗ trợ chữa bệnh Covid
Chế độ ăn uống để hỗ trợ chữa bệnh Covid không kém phần quan trọng đối với sức khỏe. Trong vài ngày đầu mắc Covid, bệnh nhân thường có triệu chứng sốt, đau mỏi cơ, đau họng, khô khát… Vì vậy, thức ăn nên được chế biến mềm, ít dầu mỡ, để dễ tiêu hóa, theo bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3.
“Một tô cháo nóng thịt băm hoặc cá (ít mùi tanh), với các loại củ thái nhỏ như cà rốt, củ dền… thêm hành và một ít rau thơm kinh giới, tía tô sẽ giúp giải cảm sốt. Món canh súp hầm xương, canh nấu với củ sen, táo tàu, câu kỷ tử,… sẽ giúp bữa ăn của người bệnh thêm ngon miệng hơn”, bác sĩ Ngân gợi ý.
Nếu mệt mỏi, ngán ăn cơm, có thể xen kẽ các món nước như nui, bánh canh, mì, cùng với xương hầm, sẽ giúp người bệnh không bỏ bữa. Những ngày mệt mỏi hoặc mất vị giác, chán ăn, nên chia nhỏ bữa ăn, khoảng 5 bữa một ngày, để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng trong ngày.
Nên đa dạng, kết hợp các nhóm thực phẩm. Bên cạnh đạm động vật từ thịt, trứng, hải sản…, các loại đạm thực vật như các loại ngũ cốc (đậu, vừng…), nấm, súp lơ, bí ngô cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể phục hồi. Thực phẩm nên được chế biến ở dạng hấp, luộc, hầm nhiều hơn là chiên xào vì nhiều dầu mỡ sẽ tạo cảm giác nê trệ, khó tiêu trong giai đoạn cơ thể đang bệnh. Gia vị như: hành, tỏi, tiêu, gừng, chanh… giúp kích thích tiêu hóa, tạo mùi vị cho bữa ăn.
Khi bị sốt, họng khô đau rát, các món nước rau má đậu xanh, nước đậu đen với ít lát gừng mỏng, nước củ dền, nước bột sắn dây, nước dừa… giúp giải bớt nhiệt độc, hỗ trợ sinh tân dịch cho cơ thể, bác sĩ khuyên.
Trường hợp ăn uống kém, bổ sung sữa xen kẽ với bữa ăn chính, khoảng 400 ml/ngày. Đối với trẻ em, khuyến khích trẻ 1-2 tuổi uống tối thiểu 600 ml sữa công thức một ngày (trường hợp trẻ không có sữa mẹ) và trẻ lớn hơn 2 tuổi 500 ml sữa công thức một ngày.
Bổ sung chất xơ và vi khoáng thông qua các loại rau quả. Các loại trái cây như táo, lê, bưởi, cam, chuối… bổ sung lượng vitamin cũng như nguyên tố vi lượng như canxi, photpho, sắt… Nếu người bệnh không ăn được nhiều, có thể ép lấy nước uống xen kẽ với nước lọc trong ngày.
Bữa ăn của người bệnh nên hạn chế đường, chỉ ăn ba thìa cà phê (dưới 15 g/ngày). Người có bệnh lý nền đái tháo đường, nên duy trì việc hạn chế lượng tinh bột và đường như trước bệnh, không nên dùng những trái cây có hàm lượng đường cao như sầu riêng, mít, nhãn… Hạn chế nêm nhiều muối; lượng muối khuyến cáo trong ngày là dưới 6 g. Mỗi bữa ăn của bệnh nhân chỉ nên dùng khoảng gần 2 g muối hoặc gần 10 ml nước mắm. Không nên sử dụng chất kích thích như caffein, chất có cồn trong giai đoạn bệnh, vì sẽ tạo áp lực lên sự chuyển hóa của cơ thể.
Người bệnh có thể trạng thừa cân, béo phì, nên duy trì chế độ ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm, đủ 3 bữa chính trong ngày, kết hợp các loại thực phẩm như đã nói trên. Cơ thể trong giai đoạn này đang chịu căng thẳng do mắc bệnh, rất cần cung cấp đủ dinh dưỡng, không nên nhịn ăn bỏ bữa để giảm cân.
Duy trì vận động nhẹ nhàng, tùy theo không gian cách ly. Người bệnh nên dọn dẹp phòng để thông thoáng mỗi ngày, tập thể dục tại chỗ duy trì 30 phút/ngày, giúp giảm cảm giác mệt mỏi trì trệ.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Ngân, cần giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh vùng họng, mũi với nước sát khuẩn súc miệng là rất cần thiết, giúp giảm nguy cơ bội nhiễm trong giai đoạn bệnh.