Việt Nam kịp thời nắm bắt cơ hội offshore

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh đầy biến động và thách thức ảnh hưởng không nhỏ đến cảm tính của các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu, thị trường offshore (*) khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lại được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi giá trị, đạt 185,1 tỷ USD vào năm 2032.

Việt Nam kịp thời nắm bắt cơ hội offshore thumb

Dự kiến mức tăng trưởng này sẽ thúc đẩy nhu cầu phát sinh thêm từ 4,7 đến 5 triệu mét vuông diện tích văn phòng mỗi năm trong vòng ba năm tới. Đây là thông tin được tập đoàn tư vấn bất động sản Knight Frank công bố trong báo cáo Asia-Pacific Horizon: Harnessing the Potential of Offshoring (tạm dịch: Chân trời Châu Á-Thái Bình Dương: Khai thác tiềm năng offshore). Báo cáo này nghiên cứu các nhân tố thiết yếu xác định sức hấp dẫn của khu vực được coi là địa điểm tốt nhất cho các dịch vụ offshore, và hé lộ những thay đổi lớn lao trong ngành bất động sản.

Khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của văn phòng Châu Á

Các tổ chức, doanh nghiệp toàn cầu đang ra sức tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu chi phí, và ngày càng nhiều doanh nghiệp coi offshore là con đường chiến lược. Châu Á-Thái Bình Dương có bốn thị trường được coi là địa điểm offshore tốt nhất thế giới, bao gồm:

Việt Nam kịp thời nắm bắt cơ hội offshore

Bà Christine Li, Giám đốc Dịch vụ Nghiên cứu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại Knight Frank, cho biết: “Offshore đã và đang là động lực thiết yếu khiến nhu cầu văn phòng tăng cao tại khắp bốn trung tâm kinh tế nói trên trong quá trình tăng trưởng vững chắc. Chúng tôi dự báo rằng khoản chi phí tiết kiệm được sẽ thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động offshore. Điều này đã được minh chứng tại Ấn Độ. Từ năm 2022 đến năm 2023, các giao dịch liên quan đến tỷ lệ Trung tâm Tương thích Toàn cầu (Global Compatibility Centre – GCC) đã tăng 10%, chiếm đến 35% tổng thị phần. Có thể nhận thấy xu hướng tương tự cũng xuất hiện tại ba thị trường còn lại là Philippines, Malaysia và Việt Nam, là những nơi offshore ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu về không gian văn phòng.”

Việt Nam kịp thời nắm bắt cơ hội offshore 2

Việt Nam là lựa chọn phổ biến trong hoạt động Gia công Quy trình Kinh doanh (Business Process Outsourcing – BPO), đặc biệt là trong ngành công nghệ thông tin, với nguồn nhân lực có kỹ năng chỉ sau Ấn Độ. Việt Nam cũng đem lại giá trị chi phí kinh doanh cao nhất, cụ thể là về nhân công, kết hợp với một viễn cảnh tươi sáng cho khách thuê khi giá thuê văn phòng, vốn có thể chiếm 10% đến 15% chi phí vận hành, ngày càng giảm. Dự kiến giá thuê văn phòng ở các thành phố lớn tại Ấn Độ sẽ cao hơn giá thuê ở TP.HCM trong ba năm tới. Với nguồn cung dồi dào từ các dự án toà nhà văn phòng mới và sắp khai trương ở khu tài chính Thành phố Thủ Đức, giá thuê dự kiến sẽ giảm hơn 20% vào năm 2026.

Việt Nam kịp thời nắm bắt cơ hội offshore 3

Ba xu hướng và tác nhân chính:

Nhân công giá rẻ

Lực lượng lao động với chi phí phải chăng của Việt Nam là yếu tố chính để thu hút hoạt động outsource, bởi lẽ chi phí nhân công thấp hơn các quốc gia Phương Tây và Châu Á khác sẽ hấp dẫn các doanh nghiệp tìm kiếm dịch vụ chất lượng cao với giá cả hợp lý. Một xu hướng đáng chú ý trong thị trường offshore tại Việt Nam là sự dịch chuyển về các dịch vụ giá trị cao như lập trình phần mềm, hay nghiên cứu và phát triển.

Nguồn nhân lực tay nghề cao và thông thạo ngoại ngữ

Việt Nam có đến 96,1% dân số biết chữ, và đứng thứ 58/113 trong bảng xếp hạng năng lực tiếng Anh của người trưởng thành toàn cầu, đứng thứ bảy tại Châu Á theo bảng xếp hạng EF English Proficiency Index (EPI) 2023. Hãng tư vấn A.T. Kearney cũng xếp Việt Nam đứng thứ bảy trong Chỉ số Địa điểm Dịch vụ Toàn cầu (GSLI) về điểm đến outsource hàng đầu.

Cơ sở hạ tầng không ngừng phát triển

Điều đáng chú ý là cơ sở hạ tầng ngành công nghệ thông tin và viễn thông không ngừng được phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng tăng cường đầu tư nhằm cải thiện tốc độ internet, xây dựng trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng công nghệ, đảm bảo mạng lưới truyền thông tốc độ cao, đáng tin cậy phục vụ các hoạt động offshore.

Theo Statista, ước tính thị trường BPO ở Việt Nam đạt doanh thu 0,53 tỷ USD trong năm 2023, với tỷ lệ CAGR 12,7% giai đoạn 2016-2023. Nhu cầu về dịch vụ outsource như hỗ trợ khách hàng, nhập liệu, và lập trình phần mềm ngày càng tăng cao. Với vị trí chiến lược nằm gần các thị trường trọng điểm như Trung Quốc và Nhật Bản, lực lượng lao động có chuyên môn, và chi phí dịch vụ phải chăng, Việt Nam là sự lựa chọn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp outsource.

Điểm độc đáo của thị trường BPO Việt Nam là có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), thường tập trung trong các phân khúc đặc thù như trò chơi điện tử hay thương mại điện tử, cung cấp giải pháp theo yêu cầu của khách hàng. Thị trường BPO Việt Nam cũng được chia theo phân khúc ngành và quy mô doanh nghiệp, trong đó đến 82% là SME. Các doanh nghiệp CNTT thường thuê cả toà nhà văn phòng tại các khu công nghệ cao được ưu đãi thuế, trong khi những bộ phận Hành chính Văn phòng hay Dịch vụ Khách hàng chủ yếu thuê các toà nhà văn phòng Hạng B và Hạng C.

Thị trường BPO Việt Nam sẽ tiếp tục thụ hưởng lợi ích từ những nhân tố kinh tế vĩ mô như lực lượng lao động trẻ có quy mô linh hoạt và dân số trung lưu ngày càng đông. Các chính sách, động thái của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài cũng sẽ là tác nhân tích cực cho thị trường này. Thêm vào đó, vị trí địa lý chiến lược và vị thế môi trường kinh doanh thuận lợi cũng khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầy hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh./.

 

(*) Offshore: hình thức đăng ký, quản lý, vận hành hoạt động kinh doanh ở nước ngoài