Rối loạn giấc ngủ và cách phòng ngừa

Rối loạn giấc ngủ có thể được phòng ngừa thông qua chế độ dinh dưỡng và một lịch trình sinh hoạt lành mạnh. Nếu không rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể của bạn.

giấc ngủ

Nếu bạn không ngủ đủ giấc hoặc giấc ngủ không đủ chất lượng, điều đó có thể ảnh hưởng đến bạn nhiều hơn là chỉ cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày. Thiếu ngủ có thể dẫn đến: trí nhớ kém, dễ cáu gắt, phản xạ, phản ứng chậm hơn (làm tăng nguy cơ tai nạn)… Mất ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ tiến triển của các tình trạng sức khỏe như: trầm cảm, đéo phì, bệnh tiểu đường type II, bệnh tim, mất trí nhớ…có thể đe dọa tính mạng.

Điều trị rối loạn giấc ngủ

Để có thể khắc phục hiệu quả tình trạng rối loạn giấc ngủ, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra, phân loại rối loạn giấc ngủ và nguyên nhân bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ cân nhắc có chỉ định dùng thuốc cũng như các phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, tại nhà, người bệnh rối loạn giấc ngủ cũng có thể áp dụng một số biện pháp để giúp dễ ngủ hơn và ngủ sâu giấc hơn, chẳng hạn như: thư giãn, dùng các loại trà thảo mộc hỗ trợ ngủ ngon hơn, ngâm mình với nước ấm trước khi ngủ khoảng 30 phút, ngâm chân với nước ấm và muối hồng hoặc các loại thảo dược, massage cơ thể, tập trung phần đầu và cổ – vai – gáy, tập thể dục 30 phút mỗi ngày trước ngủ, giữ cho phòng ngủ yên tĩnh, hạn chế ánh sáng. Phòng ngủ nên được chỉnh ở nhiệt độ mát vừa phải, không được quá lạnh hoặc quá nóng.

Cách phòng ngừa rối loạn giấc ngủ

Chứng rối loạn giấc ngủ có thể được phòng ngừa bằng cách tuân theo một lịch trình sinh hoạt lành mạnh. Theo đó, để hạn chế rối loạn giấc ngủ bạn cần lưu ý: Duy trì lịch ngủ – thức vào một khung giờ nhất định; Không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ tối thiểu 1 giờ; Tránh các yếu tố căng thẳng, gây kích thích thần kinh (đặc biệt là trước khi ngủ); Duy trì cân nặng hợp lý, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết; Không dùng rượu bia; thuốc lá; thực phẩm nhiều đường, thực phẩm có chứa caffeine vào buổi chiều muộn hoặc buổi tối; Hạn chế các món ăn nhiều chất béo, dầu mỡ khó tiêu trước ngủ; Tập thể dục, vận động thường xuyên; Uống ít nước trước khi đi ngủ;

Chế độ dinh dưỡng giúp cải thiện rối loạn giấc ngủ

Chế độ ăn uống hàng ngày cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Một số loại thực phẩm có thể kích thích chứng rối loạn giấc ngủ của bạn trong khi một số khác lại giúp tình trạng này cải thiện. Một chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung đầy đủ vitamin và chất dinh dưỡng không chỉ giúp mang lại giấc ngủ ngon hơn mà còn hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm khác.

Việc tiêu thụ đủ chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với chất lượng giấc ngủ con người. Việc thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, magie và vitamin A, C, D, E và K đều làm tăng khả năng bị rối loạn giấc ngủ.

Để phòng ngừa và điều trị rối loạn giấc ngủ, quan trọng là nên ăn nhiều loại rau và trái cây, hạn chế tiêu thụ quá nhiều thực phẩm không lành mạnh như đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn nhiều đường như bánh kẹo, các loại rượu bia và đồ uống có cồn,… Ngoài ra, nên hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng carbohydrate cao vì các loại thực phẩm này có thể làm tăng số lần thức giấc vào ban đêm và giảm thời gian ngủ sâu, khiến bạn bị rối loạn giấc ngủ./.