Hội thảo “Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại: thực trạng và giải pháp”

Ngày 28/10 vừa qua, JTI Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả với chủ đề: “Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại: thực trạng và giải pháp”. Thông qua buổi Hội thảo, JTI mong muốn kết nối tiếng nói của các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để bảo vệ người tiêu dùng và ngân sách Nhà Nước. Chương trình có sự tham dự của Lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các Hiệp hội, doanh nghiệp như: Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI); Tổng cục quản lý thị trường; Tổng cục Hải quan; Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam;… Doanh nghiệp sản xuất bia, rượu và xuất nhập khẩu hàng hóa; Và nhiều khách mời khác.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2020 trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 185.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 25.000 tỷ đồng (tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2019), khởi tố 2.543 vụ án, với hơn 3.502 đối tượng.

Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tuy đã được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình trạng hàng giả, hàng có nguồn gốc từ nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi và gia tăng mạnh trên môi trường mạng. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, số lượng, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả. Trước thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngày càng tinh vi, phức tạp, có tổ chức và nhiều thành phần liên quốc gia đã gây thất thu hàng chục nghìn tỉ đồng tiền Thuế nhà nước mỗi năm.

Bà Đỗ Thị Minh Thủy, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

Theo Bà Đỗ Thị Minh Thủy, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cho biết: “Việc hoàn thiện quy định pháp luật là điều kiện kiên quyết hàng đầu. Chúng ta phải rà soát, chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Quan trọng là các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hòa, cụ thể là made in Vietnam. Chúng ta còn lúng túng và chưa đưa ra được hướng dẫn chi tiết và chưa xử lý được. Vì vậy, Văn phòng chỉ đạo 389 quốc cũng đang tiếp tục tục chuẩn bị làm việc với các cơ quan chức năng để sớm có khung sườn để hoạt động.”

Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam

Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, cũng đã phát biểu: “ Các doanh nghiệp đang bức xức về sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xuất hiện nhiều hàng nhái thương hiệu. Quốc hội cũng đang sửa đổi luật để hoàn thiện các quy định về quyền sở hữu trí tuệ.”

Bà Julian, Quản lý chống buôn lậu thuốc lá, công ty thuốc lá Nhật Bản JTI

Bà Julian, Quản lý chống buôn lậu thuốc lá, công ty thuốc lá Nhật Bản JTI, chia sẻ: “Thuốc lá lậu, thuốc lá giả vẫn đang là mối đe dọa ngày càng tăng, gây ảnh hưởng đến quyền sở hữu trí tuệ của thương hiệu và người tiêu dùng. Vì vậy, việc thắt chặt chế tài và quy định, là thực sự cấp bách và cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cho nhu cầu của người tiêu dùng”

Đại diện các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá, ông Nguyễn Triết, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cũng chia sẻ: “Tình hình buôn lậu thuốc lá tại Việt Nam còn rất nhiều, vì giá rẻ, trốn thuế nên tương đối cạnh tranh với các sản phẩm trong nước. Vì vậy nếu chúng ta cương quyết, tập trung chống lại các sản phẩm thuốc lá lậu thì người tiêu dùng sẽ dễ dàng chấp nhận chuyển qua thuốc lá hợp pháp và sẽ làm tăng doanh thu của Nhà Nước.”