Gucci ra mắt chứng chỉ xác thực kỹ thuật số NFT

Gucci vừa ra mắt đoạn mã NFT đầu tiên của mình – một bộ phim lấy cảm hứng từ bộ sưu tập Aria, hiện đang được bán đấu giá trong đợt sale “Proof Of Sovereignty NFT” của nhà Christie’s.

NFT là viết tắt của Non-Fungible Token, là một chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép. NFT có thể chứa đựng bản vẽ, hoạt ảnh, bản nhạc, ảnh hoặc video tạo bởi công nghệ blockchain. 

Trước đó, Gucci đã thể hiện sự nhanh nhạy của mình khi bắt tay với Wanna – một thương hiệu thời trang khác nhưng thuộc mảng công nghệ, với mục tiêu mở rộng trải nghiệm sản phẩm trên nền tảng số.

Nhà mốt nước Ý đã chính thức tham gia vào cơn sốt NFT với một đoạn video dài 4 phút có tên Aria lấy cảm hứng từ bộ sưu tập cùng tên. Tác phẩm NFT Gucci Aria được chào bán như một phần của đợt sale NFT “Proof of Sovereignty” do Christie’s chủ trì, giám tuyển bởi Lady Phoenix. Bộ phim Aria do Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele đồng đạo diễn cùng nhiếp ảnh gia và đạo diễn từng đoạt giải thưởng Floria Sigismondi. 

Theo Christie’s, tác phẩm NFT được thực hiện với “khung cảnh mộng mơ, tràn đầy năng lượng, đánh dấu một thời điểm lịch sử cho thương hiệu lâu đời của nước Ý khi giờ đây Gucci kết nối với một không gian truyền thông mới”. 

Tác phẩm của Gucci cũng nói lên thông điệp bao trùm của Aria – đó là khát vọng đổi mới toàn cầu đồng thời còn là một ước mơ được nở rộ và nảy nở như mùa xuân sau khi bóng đêm mùa đông đã qua đi. Các cánh cửa mở ra khi bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng và bữa tiệc hân hoan được chờ đợi từ lâu.

Gucci ra mắt chứng chỉ xác thực kỹ thuật số NFT 3
Gucci ra mắt chứng chỉ xác thực kỹ thuật số NFT 2

Tất cả số tiền thu được từ đoạn phim NFT của Gucci sẽ được quyên góp cho tổ chức Unicef USA nhằm hỗ trợ phân phối vaccine trong chiến dịch Covax – một sáng kiến ​​nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vaccine Covid-19. Giá khởi điểm cho NFT bắt đầu ở mức 20.000 đô la Mỹ và đợt đấu giá kết thúc vào 03/06/2021.

Ngoài việc giới thiệu bộ phim thời trang của nhà mốt nước Ý, buổi đấu giá còn bao gồm các tác phẩm của các nghệ sĩ tài năng mới từ các nền tảng khác nhau như người tiên phong của nghệ thuật video Nam June Paik, nữ nghệ sĩ Marguerite de Courcelle (hay còn gọi là “Coin Artist”), Joshua Davis (được gọi là “Praystation”) và Claudia Hart. Những bộ óc sáng tạo này đã và đang thử nghiệm công nghệ blockchain, siêu dữ liệu, lưu trữ và các tiêu chuẩn pháp lý hầu như không có trong hàng triệu tác phẩm nghệ thuật liên quan đến mã NFT cho đến thời điểm hiện tại.