Có nên tiêm filler ngực không?

Filler là chất làm đầy, được dùng phổ biến để cải thiện những khuyết điểm nhỏ trên mặt như khóe mắt, môi… nhưng đối với dịch vụ thẩm mỹ phức tạp như nâng ngực thì chất này có được dùng không?

Biến chứng phổi nặng, hoại tử vú sau khi tiêm filler nâng ngực

Chị T.T.Th. (TP.HCM) sau khi tìm hiểu trên mạng, thấy quảng cáo thấy phương pháp tiêm filler nâng ngực có vẻ an toàn, vì không cần phẫu thuật. Do đó chị đã quyết định mời “bác sĩ” về nhà để tiến hành thủ thuật này. Nhưng sau tiêm, chị cảm thấy tức ngực khó thở, ho. Diễn biến ngày một nặng dần, chỉ đến khi ho ra máu, khó thở nặng… chị Th. được người thân đưa đi cấp cứu.

Qua phim chụp Xquang, hình ảnh cho thấy nhu mô phổi trắng xóa. Kết quả chụp CT có thuốc cản quang cũng cho thấy nhiều ổ xuất huyết lớn ở khắp hai bên phổi. Mặc dù được tích cực điều trị hồi sức cấp cứu, nhưng bệnh nhân đã bị biến chứng thuyên tắc phổi nặng nề sau tiêm filler, do đó tiên lượng rất xấu.

tiêm filler ngực

Hình ảnh Xquang và CT phổi cho thấy những tổn thương với các ổ xuất huyết tại phổi.

Trường hợp chị M.T (Hà Nội), sau tiêm filler nâng ngực 5 ngày, cũng phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện TWQĐ 108. Biến chứng mà chị M.T. gặp phải là hoại tử toàn bộ mô vú, các bác sĩ đã phải tiến hành rạch, lấy mủ và nạo vét sạch vùng mô, cơ đã bị hoại tử.

Đây là ca bệnh tuy không đến mức nguy kịch đến tính mạng, nhưng việc điều trị rất nan giải: Vừa phải điều trị khắc phục hậu quả nặng nề sau tiêm filler, vừa phải nghiên cứu tạo hình lại vòng 1 đã bị cắt, lọc bỏ hoàn toàn.

Chi phí cho một ca điều trị như vậy rất tốn kém và thời gian kéo dài, mà lại chỉ có thể sửa chữa, khắc phục chứ không thể tạo hình lại được khuôn ngực đẹp với chức năng bình thường.

Có được tiêm filler nâng ngực, nâng mông hay không?

Filler được sử dụng trong thẩm mỹ có thành phần chính là acid hyaluronic (HA). Đây là chất làm đầy sinh học khá lành tính, được tiêm vào cơ thể với mục đích làm căng, đầy, trẻ hóa tại vùng tiêm. Chính vì cơ chế tác động này nên có nhiều người cho rằng filler có thể giúp nâng kích thước vòng 1, vòng 2. Trên thực tế cũng đã ghi nhận những ca tiêm filler ngực có hiệu quả, nhưng hiện phương pháp này không được cấp phép thực hiện.

Nhưng, nếu xem quảng cáo trên mạng xã hội, hiện có rất nhiều các spa đang quảng cáo dịch vụ nâng ngực bằng filler. Với lời quảng cáo có cánh về ưu điểm của phương pháp nâng ngực này là: “Độ an toàn cao, hiệu quả tức thì, duy trì vĩnh viễn và chi phí thấp”…

PGS.TS.Vũ Ngọc Lâm – Giám đốc Trung tâm phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, BV Trung ương Quân đội 108, cho biết: Mặc dù gần đây filler được sử dụng khá nhiều trong thẩm mỹ và cũng được sử dụng để làm tăng thể tích vòng 1 tại các spa, nhưng phương pháp này có thể hiệu quả với những người đã có vòng 1 tương đối, chỉ muốn cải thiện để đầy đặn hơn. Còn với các trường hợp ngực lép, chảy xệ, lõm thì không thực hiện vì không đạt hiệu quả thẩm mỹ. Giá thành filler chất lượng tốt khá cao, trong khi việc làm đẹp chỉ tồn tại được khoảng 1 năm. Nếu muốn đẹp, lại cần tiếp tục tiêm filler.

Hơn nữa, dù filler đã được được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng trong thẩm mỹ, nhưng cơ quan này cũng khuyến cáo không nên tiêm vào ngực, mông hoặc khoảng trống giữa các cơ để tạo đường nét hoặc cải thiện cơ thể trên quy mô lớn. Bởi điều này dễ dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, bao gồm tình trạng đau kéo dài, để lại sẹo, nhiễm trùng, biến dạng vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

tiêm filler ngực 2

Nâng ngực bằng túi độn tại các bệnh viện có trung tâm thẩm mỹ uy tín là phương pháp ít rủi ro.

Mặc dù trong nghiên cứu thì tỉ lệ biến chứng sau tiêm filler là rất thấp, chỉ khoảng 1% các ca. Thế nhưng, trên thực tế, đặc biệt là tại Việt Nam tỉ lệ biến chứng lại không hề nhỏ và khó kiểm soát. Đặc biệt là nếu tiêm filler ngực, mông thì tỷ lệ biến chứng lại cao hơn rất nhiều.

Do lượng filler cần sử dụng để làm đầy hai bộ phận này cao hơn gấp rất nhiều lần so với mặt. Chẳng hạn để tiêm filler nhằm cải thiện vòng 1, thì phải đưa vào vị trí đó một lượng lớn filler (khoảng 400cc cho hai bên ngực). Chính vì thế, khả năng bị chèn mạch, tắc mạch, gây hoại tử cao hơn rất nhiều, như các trường hợp đã nêu ở trên.

Do đó, việc tiêm filler vào mông và ngực có thể được xem là một chống chỉ định. Tiêm filler chỉ được thực hiện ở vùng có diện tích nhỏ như làm đầy hõm mắt, mũi, môi, cằm, thái dương… với lượng an toàn từ 1-4cc/lần tiêm, tùy từng vị trí. Không nên tin vào những quảng cáo tiêm filler nâng ngực vừa an toàn mà giá lại rẻ.