Bù nước bằng hoa quả, sữa, cà phê

Theo các nhà khoa học, nước có thể đến từ nhiều loại thực phẩm như hoa quả, sữa, cà phê chứ không chỉ nước lọc hoặc nước khoáng.

Vào mùa hè, ở nhiệt độ cao, việc cung cấp đủ nước cho cơ thể trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các chuyên gia cho rằng nếu không bổ sung đủ lượng chất lỏng trong những ngày nắng nóng, cơ thể dễ bị sốc nhiệt, say nắng, chuột rút hơn.

Nhiều người tin rằng cần uống đủ 8 cốc nước mỗi ngày. Dù vậy, các chuyên gia cho biết nguồn cung cấp nước cho cơ thể đến từ nhiều nơi hơn là nước lọc hoặc nước khoáng.

“Việc nước tiểu sẫm màu không có nghĩa cơ thể bạn đang thiếu nước. Uống đủ nước đơn giản là tiêu thụ đủ lượng chất lỏng và không cảm thấy khát. Lượng nước phù hợp với mỗi người là khác nhau”, tiến sĩ Dan Negoianu, chuyên gia thận học tại Đại học Pennsylvania, cho biết.

Tất cả các loại thực phẩm, hoa quả, đồ uống có thành phần chất lỏng đều cung cấp nước. Cơ thể không quan tâm lượng nước đó đến từ đâu. Nó sẽ hấp thụ và xử lý theo cách giống nhau, tiến sĩ Negoianu giải thích.

Bù nước bằng hoa quả, sữa, cà phê

Các loại hoa quả như dưa hấu, dâu tây, dưa chuột có thể cung cấp nước cho cơ thể. Ảnh: NY Times

Trái cây và rau là nguồn cung lý tưởng, bởi chúng vừa có hàm lượng nước cao, vừa chứa các loại chất xơ, đem lại lợi ích cho các chế độ ăn uống. Những loại dưa, chẳng hạn dưa hấu, dưa đỏ, các loại quả họ cam quýt hoặc nho, dưa chuột, cần tây cũng chứa nhiều nước.

Tất cả các loại đồ uống như nước sữa, trà và cà phê đều cung cấp nước cho cơ thể. Đồ uống có hàm lượng đường cao thường không phải lựa chọn lý tưởng nhất về mặt dinh dưỡng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy đồ uống có đường cũng cung cấp lượng chất lỏng ngang với nước khoáng.

Một số người cho rằng đồ ăn mặn gây mất nước. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Kelly Hyndman, nhà nghiên cứu tại Đại học Alabama, Birmingham, điều chưa chắc chính xác.

Ông cho biết cơ thể người không ngừng tìm cách duy trì sự cân bằng giữa muối và nước. Quá trình này có sự hỗ trợ của một số loại hormone, một trong số đó là hormone chống bài niệu, còn gọi là ADH.

Khi con người tiêu thụ lượng lớn thức ăn mặn cùng một lúc, não bộ tiết ra nhiều ADH, kích thích thận thực hiện chức năng lọc nước, ngăn ngừa tình trạng đi tiểu ra chất lỏng dư thừa. Cùng lúc đó, não cũng tiết một loại hormone khác là vasopressin, tạo cảm giác khát. Kết hợp với nhau, chúng báo hiệu cơ thể cần nhiều chất lỏng hơn.

Tiến sĩ Tamara Hew-Butler, chuyên gia về y học thể thao tại Đại học Wayne State, cho biết: “Ăn quá mặn chỉ có hại nếu bạn bỏ qua dấu hiệu khát nước của cơ thể”. Các loại thực phẩm mặn có thể bổ sung nước là ô liu, dưa chua, dù ít ai tiêu thụ chúng với lượng lớn.

Theo tiến sĩ Hyndman, nhiều người hiểu nhầm về tình trạng mất nước của cơ thể. Phần lớn mọi người cung cấp đủ chất lỏng cho cơ thể trong ngày, dù có chú ý đến việc uống nước hay không. Những người cần uống nước nhiều hơn là trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh lý tiềm ẩn.

Nhu cầu cơ thể đôi khi chỉ là uống một ly nước hoặc ăn những loại thức ăn nhiều chất lỏng khi khát. “Hãy tin vào bản năng, chúng ta không cần suy nghĩ quá nhiều về việc uống nước”, bà nói.

“Tôi nghĩ rằng hãy uống nước khi khát là nguyên tắc không thể phản bác. Mỗi người sẽ tự có ngưỡng uống nước của riêng họ”, tiến sĩ Negoianu nói.