Boeing dự báo thị trường hàng không trong 10 năm tới
Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing vừa công bố dự báo thường niên về thị trường hàng không thương mại, quốc phòng và vũ trụ, nhận định thị trường đang có những dấu hiệu phục hồi sau những tác động của COVID-19. Trong Dự báo Thị trường của Boeing (BMO) 2021 khi đưa ra những phân tích về động lực dài hạn của thị trường, Boeing cho biết máy bay thương mại và dịch vụ đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi, trong khi thị trường quốc phòng, vũ trụ và dịch vụ chính phủ vẫn duy trì ổn định.
BMO ước đoán thị trường sản phẩm và dịch vụ hàng không vũ trụ sẽ đạt 9 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới. Con số dự báo này của một năm trước là 8,5 nghìn tỷ USD và là 8,7 nghìn tỷ USD vào năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch, thể hiện rõ tiến trình phục hồi không ngừng của thị trường.
Ông Marc Allen, Giám đốc Chiến lược của Boeing, cho biết: “Khi ngành hàng không hồi phục và tiếp tục thích nghi để đáp ứng nhu cầu của thị trường toàn cầu, chúng tôi vẫn tự tin vào sự tăng trưởng dài hạn của ngành hàng không vũ trụ. Chúng tôi cảm thấy được khích lệ bởi thực tế rằng các nhà khoa học đã cung cấp giải pháp vắc-xin nhanh hơn tưởng tượng, giúp hành khách an tâm hơn khi đi di chuyển bằng máy bay”.
Dự báo Thị trường Thương mại
Dự báo Thị trường Thương mại (CMO) mới của Boeing cho thấy thị trường toàn cầu phần lớn đều đang phục hồi theo như những gì Boeing đã dự đoán vào năm 2020. Theo đó, nhu cầu đi lại nội địa bằng đường hàng không đang dẫn đầu cho sự phục hồi, tiếp đến là việc di chuyển giữa các quốc gia trong khu vực sau khi các hạn chế về đi lại và sức khỏe được nới lỏng, cuối cùng là việc đi lại đường dài sẽ trở lại mức như trước đại dịch vào khoảng năm 2023 đến 2024.
Bên cạnh đó, CMO cũng đưa ra dự đoán rằng các hãng hàng không trên toàn thế giới sẽ cần khoảng 19.000 máy bay thương mại, trị giá 3,2 nghìn tỷ USD, để đáp ứng nhu cầu di chuyển của toàn cầu trong 10 năm tới. Dự báo thương mại của Boeing đến năm 2040 cho biết thế giới sẽ cần hơn 43.500 máy bay mới, trị giá khoảng 7,2 nghìn tỷ USD, tăng khoảng 500 chiếc so với dự báo của năm ngoái.
Nhu cầu đối với máy bay chuyên chở hàng hóa, bao gồm cả máy bay mới và máy bay được chuyển đổi, cũng được dự đoán sẽ tăng mạnh. Với nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không luôn được duy trì, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử cũng như tốc độ và sự tin cậy của vận tải hàng không, CMO dự báo đội máy bay chở hàng toàn cầu sẽ tăng hơn 70% vào năm 2040 so với thời điểm trước đại dịch.
Ông Stan Deal, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Máy bay Thương mại Boeing, chia sẻ: “Ngành hàng không vũ trụ đã có bước tiến quan trọng trong quá trình phục hồi, và những dự đoán của Boeing trong năm 2021 đã phản ánh sự tự tin của chúng tôi vào sự hồi sinh của thị trường. Dù vẫn còn rất nhiều thách thức nhưng năm vừa qua đã cho thấy lượng hành khách tăng nhanh chóng khi người dân và chính phủ bắt đầu tin tưởng về độ an toàn sức khỏe khi di chuyển bằng máy bay. Ngành hàng không tiếp tục giữ vai trò chủ chốt giúp gắn kết mọi người với nhau cũng như vận chuyển các vật dụng thiết yếu”.
Điểm nổi bật của dự báo CMO mới trong 20 năm tới:
- Sự sẵn có và phân phối vắc xin COVID-19 sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt đối với sự phục hồi của ngành vận chuyển hành khách đường hàng không trong tương lai gần. Các quốc gia có độ phủ vắc xin lớn đã cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của ngành hàng không và chính phủ đang dần nới lỏng các hạn chế và mở cửa biên giới cho việc di chuyển quốc tế.
- Lưu lượng hành khách dự kiến sẽ tăng trung bình 4% mỗi năm, không thay đổi so với dự báo của năm ngoái.
- Đội bay thương mại toàn cầu sẽ vượt mức 49.000 máy bay vào năm 2040. Trong đó, các thị trường Trung Quốc, Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương, mỗi thị trường chiếm khoảng 20% lượng máy bay mới được giao ở mỗi khu vực. 20% còn lại thuộc các thị trường mới nổi khác.
- Nhu cầu đối với các máy bay một lối đi tăng hơn 32.500 chiếc, tương đương với mức trước đại dịch. Những mẫu máy bay này tiếp tục chiếm 75% lượng máy bay được giao trong vòng 20 năm tới.
- Các hãng hàng không sẽ cần hơn 7.500 máy bay thân rộng mới vào năm 2040 để phục vụ việc mở rộng đội bay, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa gia tăng cho các quốc gia có đường bay dài. Số liệu này tăng nhẹ so với dự báo của năm 2020 nhưng vẫn giảm 8% so với năm 2019.
CMO là dự báo lâu đời nhất về máy bay phản lực và được xem là phân tích toàn diện nhất về ngành hàng không thương mại.
Dự báo Thị trường Dịch vụ
Boeing dự báo vào năm 2030, thị trường dịch vụ đạt 3,2 nghìn tỷ USD, trong đó dịch vụ hàng không thương mại, kinh doanh và dịch vụ hàng không nói chung trị giá 1,7 nghìn tỷ USD và dịch vụ chính phủ trị giá 1,5 nghìn tỷ USD.
Các giải pháp kỹ thuật số bao gồm dịch vụ phân tích, điều chỉnh nội thất và chuyển đổi máy bay chở hàng là điểm sáng trong bức tranh dịch vụ dài hạn, nhờ sự thay đổi của khách hàng hướng đến các hoạt động tinh gọn hơn để tăng trưởng trong tương lai và đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
Nhu cầu đối với dịch vụ huấn luyện sẽ tăng trong thời gian tới do sự chuyển đổi nhân sự sang điều khiển các mẫu máy bay mới hơn, gia hạn chứng chỉ để quay trở lại làm việc sau thời gian tạm dừng hoạt động do đại dịch. Ngoài ra, các dịch vụ phụ thuộc vào mức độ hoạt động của máy bay như bảo trì và chuỗi cung ứng sẽ đi theo đà phục hồi của thị trường.
Ông Ted Colbert, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Dịch vụ Toàn cầu Boeing, nhấn mạnh: “Các khách hàng đang chuẩn bị cho quá trình tăng trưởng trong thời gian tới. Chúng tôi nhận thấy rằng việc điều chỉnh đội tàu bay và tiêu thụ linh kiện thay thế sẽ đi đôi với sự mở rộng đội bay toàn cầu. Nhu cầu này sẽ gắn liền với việc ứng dụng các công cụ và dịch vụ kỹ thuật số để nâng cao sự sẵn sàng, độ tin cậy và hiệu quả của đội bay”.
Dự báo Thị trường Quốc phòng và Hàng không vũ trụ
BMO cũng ước tính các cơ hội đến từ lĩnh vực quốc phòng và hàng không vũ trụ vẫn sẽ duy trì như năm ngoái là 2,6 nghìn tỷ USD trong 10 năm tiếp theo. Nhu cầu đến từ các thị trường lớn và ổn định này vẫn sẽ duy trì trong tương lai, chủ yếu đến từ những thách thức địa chính trị và an ninh. Mức chi tiêu dự kiến này cho thấy tầm quan trọng của máy bay quân sự, hệ thống tự trị (autonomous systems), vệ tinh, tàu vũ trụ và các sản phẩm khác phục vụ cho hoạt động quốc phòng trong nước và quốc tế, với 40% chi tiêu dự kiến đến từ các quốc gia ngoài Hoa Kỳ.
Bà Leanne Caret, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành mảng Quốc phòng, Không gian và An ninh của Boeing, cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã nhận thấy khả năng phục hồi và ổn định của thị trường quốc phòng và hàng không vũ trụ toàn cầu, nhưng các mối đe dọa từ môi trường vẫn liên tục tăng. Trong tương lai, để có thể làm chủ được tình hình cần có tốc độ và sự linh hoạt, và Boeing cam kết thực hiện thiết kế, thử nghiệm, xây dựng và duy trì theo hướng có thể tạo điều kiện cho khách hàng nhanh chóng thích nghi và thu được giá trị cao nhất từ nền tảng của chúng tôi trong nhiều thập kỷ tới. Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp các giải pháp kỹ thuật số tiên tiến, được sản xuất đơn giản và hiệu quả nhất để hỗ trợ cho khách hàng toàn cầu, dựa trên các yếu tố an toàn, chất lượng và tính toàn vẹn”.
Dự báo về Phi công và Kỹ thuật viên
Khi ngành hàng không thương mại tiếp tục đạt được những bước tiến trong quá trình phục hồi sau đại dịch, nguồn cung nhân lực và các chương trình huấn luyện hiệu quả tăng ổn định vẫn là yếu tố then chốt để duy trì sức khỏe và an toàn của hệ sinh thái hàng không. Nhu cầu dài hạn đối với nhân viên hàng không mới có trình độ vẫn duy trì ở mức cao, được dự kiến sẽ cần 2,1 triệu người, phục vụ cho hoạt động bay và duy trì đội bay thương mại toàn cầu trong 20 năm tới, trong đó gồm 612.000 phi công, 626.000 kỹ thuật viên bảo trì và 886.000 thành viên phi hành đoàn.