UNESCO vinh danh núi Paektu của Triều Tiên là Công viên địa chất toàn cầu

Mới đây, Paektu đã chính thức được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, trở thành địa điểm tự nhiên đầu tiên của Triều Tiên góp mặt trong danh sách danh giá này. Paektu là đỉnh núi cao nhất bán đảo Triều Tiên với độ cao 2.744 m, không chỉ là biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức người dân, mà Paektu còn mang giá trị địa chất đặc biệt.

Theo CNN, quyết định được UNESCO thông qua trong cuộc họp hồi tháng 2/2025, đánh giá núi Paektu là “di sản thiên nhiên và văn hóa ấn tượng”, nhờ cảnh quan hình thành từ các đợt phun trào núi lửa và các đặc điểm địa chất độc đáo.

Nằm trên biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc, Paektu là một ngọn núi lửa tầng đang hoạt động. Theo UNESCO, ngọn núi này mang địa hình điển hình của kỷ băng hà, với các thung lũng sâu và đồng bằng hình thành từ quá trình xói mòn và lắng đọng băng tuyết. Đặc biệt, núi Paektu từng chứng kiến “vụ phun trào thiên niên kỷ” vào năm 946 sau Công nguyên – một trong những vụ phun trào núi lửa mạnh nhất từng được ghi nhận.

UNESCO định nghĩa công viên địa chất toàn cầu là khu vực địa lý thống nhất, nơi các địa điểm và cảnh quan có giá trị địa chất quốc tế được bảo tồn và khai thác theo hướng giáo dục, nghiên cứu và phát triển bền vững.

Triều Tiên đã nộp hồ sơ xin công nhận từ năm 2019, song quá trình kiểm tra thực địa bị trì hoãn do đại dịch Covid-19. Với danh hiệu mới, Paektu không chỉ là biểu tượng văn hóa – lịch sử mà còn là di sản địa chất quý giá của toàn cầu./.