Triển lãm “Dọc miền di sản” của họa sĩ Lê Rin
Tranh màu nước của họa sĩ Lê Rin mở ra hành trình khám phá Việt Nam đầy cảm xúc, từ vẻ đẹp danh lam thắng cảnh, những di sản kiến trúc trầm mặc, phong tục tập quán đặc sắc đến nhịp sống bình dị khắp ba miền đất nước. Những nét vẽ tinh tế, mảng màu sinh động đã đưa người xem ngược dòng thời gian, rong ruổi qua từng vùng đất, từng hương vị, từng câu chuyện văn hóa mang đậm hồn Việt.
Triển lãm “Dọc miền di sản” của họa sĩ Lê Rin đang diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội (đến ngày 30/5), đưa công chúng khám phá vẻ đẹp văn hóa, thiên nhiên và con người Việt Nam từ Bắc vào Nam.
Bén duyên với tranh màu nước từ chuyến đi xuyên dọc miền Trung năm 2016, Lê Rin khởi đầu bằng việc ký họa những điểm đến, món ăn và phong tục địa phương. Tình yêu ẩm thực và văn hóa dân gian đã thôi thúc anh tạo nên “Việt Nam miền ngon” – cuốn sách tranh như một bản đồ ẩm thực đầy màu sắc, gợi mời người đọc khám phá đất nước qua từng món ăn: từ nem cua bể, bún mọc miền Bắc, mì Quảng, cơm gà Hội An miền Trung, đến cơm tấm, cà phê sữa đá Sài Gòn và bún cá Châu Đốc miền Tây.
Không chỉ có ẩm thực, tranh của Lê Rin còn là ký họa sống động về di sản văn hóa: từ chùa Phật Tích, cố đô Hoa Lư, phố cổ Hội An đến Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Anh cẩn thận ghi chép, chụp ảnh, tìm hiểu kỹ lưỡng về kiến trúc, phong tục, con người để truyền tải những giá trị ấy trong từng đường cọ. Có những bức tranh kiến trúc mất hàng tuần mới hoàn thành, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì.
Với mong muốn lưu giữ ký ức và lan tỏa vẻ đẹp quê hương, họa sĩ dành nhiều tâm huyết cho các làng nghề truyền thống. Lớn lên bên người bà làm nghề đan võng gai ở Ninh Thuận, anh thấm thía sự nhọc nhằn của những nghề thủ công đang dần mai một. Từ đó, nghề truyền thống – dù thịnh hay suy – luôn hiện diện trong tác phẩm như một cách tri ân và bảo tồn văn hóa.
Đến nay, Lê Rin đã sở hữu gần 2.000 bức tranh, góp phần phác họa một Việt Nam vừa thân thuộc, vừa mới mẻ. Anh hiện ấp ủ dự án vẽ về Hà Nội – nơi giao thoa giữa cổ kính và hiện đại – với những góc phố, món ăn và di sản đặc trưng của Thủ đô. Với anh, mỗi nét vẽ là một lời nhắn gửi: hãy xách ba lô lên, đi và cảm nhận quê hương bằng cả trái tim./.