Công viên địa chất Non nước Cao Bằng hùng vĩ của thiên nhiên
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng mang trong mình vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, với những dấu tích lịch sử cùng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 4/2018.
Tạp chí du lịch Insider của Mỹ – chuyên trang du lịch hàng đầu thế giới đã bình chọn Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là 1 trong 50 cảnh đẹp hấp dẫn nhất thế giới với đánh giá: “Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO với vẻ đẹp tuyệt diệu của những dòng thác, hồ nước và hệ thực vật đa dạng”.
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3275km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện nơi địa đầu Tổ quốc, nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 thành phần dân tộc. Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ – sông – hang ngầm liên thông… Cùng với đó là rất nhiều di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản… tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này. Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt.
Danh hiệu công viên địa chất Toàn cầu UNESCO là một danh hiệu quan trọng của UNESCO trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên. Danh hiệu công viên địa chất Toàn cầu UNESCO thể hiện là một mô hình phát triển kinh tế – xã hội rất hiệu quả, đảm bảo hài hòa giữa cả mục tiêu phát triển tại địa phương có di sản cũng như mục tiêu bảo vệ, bảo tồn di sản. Danh hiệu này đặc biệt chú trọng tới việc bảo vệ môi trường, bảo vệ bản sắc văn hóa cộng đồng nơi có di sản, huy động cộng đồng trong công tác bảo tồn và khai thác hợp lý di sản, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc đề ra.
Phja Oắc – Vùng núi của những đổi thay sẽ đưa du khách đến với Vườn Quốc gia Phja Oắc – Phja Đén, với những đồi chè mênh mông, bát ngát.
Làng hương Phia Thắp là làng nghề truyền thống đã có từ lâu đời ở huyện Quảng Hòa. Người dân trong làng thường thức dậy từ 5 – 6 giờ sáng để bắt đầu quy trình làm hương với việc phơi lá bầu vắt, vót mai, phơi hương…
Núi Mắt Thần hay Núi Thủng là tên gọi của một ngọn núi kỳ lạ ở xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh (nay là huyện Trùng Khánh). Sở dĩ có tên gọi này là vì nơi đây có một lỗ thủng xuyên qua hai mặt ngọn núi. Từ đỉnh núi Mắt Thần, phóng tầm mắt ra xa là những thảm cỏ xanh biếc và những nương ngô uốn lượn tại xóm Bản Danh và hồ nước Nặm Trá thơ mộng.
Làng dệt thủ công truyền thống đặc sắc của đồng bào Tày ở Công viên địa chất Non nước Cao Bằng vẫn còn được lưu giữ tại xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng với những đồ thủ công được dệt bằng tay cùng nhiều họa tiết độc đáo.
Thác Bản Giốc nằm trong Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là một trong bốn dòng thác xuyên quốc gia lớn nhất thế giới và là thác nước đẹp nhất Đông Nam Á. Thác Bản Giốc hùng vĩ cao khoảng 35m với cấu trúc 3 tầng thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.
Thang Hen là hồ nước ngọt tự nhiên trên núi cao nhất Việt Nam thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh (nay là huyện Trùng Khánh) đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Rừng Trần Hưng Đạo là khu rừng nguyên sinh, nằm dưới chân núi Slam Cao thuộc hai xã Tam Kim, Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, cách TP. Cao Bằng khoảng 50km về phía Tây Nam. Hiện nay, khu rừng được công nhận là Di tích quốc gia, đặc biệt đây còn là nơi từng diễn ra sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay./.