Xây dựng đô thị sinh thái: cần giải quyết từ gốc rễ
Đô thị sinh thái đang trở thành xu hướng nóng trên thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay nhờ những đặc điểm ưu việt từ quy hoạch, không gian, môi trường sống… Tuy nhiên, để có một đô thị sinh thái đúng nghĩa, theo các chuyên gia kiến trúc và quy hoạch, cần chú trọng ngay từ khâu thiết kế ban đầu để có thể có một cái nhìn tổng thể và đúng đắn.
Tại hội thảo “Công trình kiến trúc với đô thị sinh thái” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp cùng Dulux Professional thuộc AkzoNobel, công ty hàng đầu thế giới về sơn và chất phủ, các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều đề xuất dưới góc độ quy hoạch; các giải pháp về kiến trúc, và xây dựng để có thể phát triển những đô thị sinh thái đúng nghĩa.
Kiến trúc: yếu tố cốt lõi của đô thị sinh thái
Theo các chuyên gia đô thị, đô thị sinh thái có những tiêu chí và nguyên tắc tạo lập riêng về quy hoạch cũng như kiến trúc. Muốn có một thành phố, một đô thị sinh thái, phải là tập hợp của các công trình kiến trúc sinh thái, được đặt trong khung cảnh, môi trường, yêu cầu… bởi các tiêu chí của một thành phố, một đô thị sinh thái.
Chính bởi những yêu cầu đặc thù như vậy nên để có một đô thị sinh thái đúng nghĩa hoàn toàn không dễ dàng, cần phải bắt đầu ngay từ yếu tố gốc rễ: thiết kế. Theo TS.KTS. Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, xét dưới góc độ kiến trúc, các công trình phải đảm bảo tối đa các tiêu chí về môi trường, thiết kế hài hoà, gần gũi với tự nhiên, khai thác tối đa nguồn năng lượng tự nhiên, giảm thiểu tác động đến môi trường…
Đồng tình với KTS. Phan Đăng Sơn, nhiều chuyên gia kiến trúc cũng cho rằng, đặt trong bối cảnh đô thị sinh thái, khi thiết kế một công trình, yếu tố hình khối và vẻ ngoài của công trình không còn là mối bận tâm duy nhất. Các hệ thống kỹ thuật giúp vận hành tòa nhà, nguyên vật liệu sử dụng và các thiết bị thông minh được tổng hợp một cách hài hòa. Cần có sự cân bằng giữa hình khối kiến trúc, công năng và sự tương tác với môi trường xung quanh…
“Thiết kế môi trường sinh thái trong quy hoạch cần phải lưu ý tới những yếu tố chiến lược cơ bản: bảo tồn và nâng tầm giá trị bản sắc đô thị; phát triển đô thị đa trung tâm với môi trường sinh thái đa dạng; giảm thiểu tác động môi trường; tổ chức mạng lưới không gian xanh; khuyến khích giao thông xanh và không gian đi bộ; quản lý thông minh và bảo vệ môi trường…” – TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn, Chuyên gia quy hoạch, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners khẳng định.
Vật liệu xây dựng bền vững: yếu tố quan trọng của đô thị sinh thái
Theo bà Pamela Phua – Giám đốc Quản lý sản phẩm, Đơn vị Sơn trang trí, AkzoNobel SESA, hiện nay thế giới đang phải đối mặt với nhiều thử thách như biến đổi khí hậu, đại dịch… và đó là lý do cần phải xây dựng những thành phố bền vững hơn, hướng đến cuộc sống không phát thải.
“Tại COP26, thế giới đã xem xét lại các tác động đến biến đổi khí hậu cũng như những mục tiêu mới, định hướng mới cần được đưa ra. Tất cả các nhà lãnh đạo đến từ hơn 100 nước trên toàn thế giới đã có một thỏa thuận chung và cam kết mạnh mẽ về biến đổi khí hậu. Là một doanh nghiệp tham gia phát biểu tại COP26, chúng tôi nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình và không ngừng giảm phát thải, nỗ lực xanh hóa ngay từ khâu vật liệu để góp phần đặt nền móng cho những đô thị sinh thái đúng nghĩa” – Bà Pamela Phua khẳng định.
Cũng theo bà Pamela Phua, trong hành trình hướng tới mục tiêu giảm phát thải, doanh nghiệp này không bước đi một mình mà còn thúc đẩy các nhà cung cấp, đối tác, các đại lý để giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường ở mức tối đa.
Trong ngành sơn và chất phủ, hơn 98% lượng khí thải carbon đến từ các hoạt động thượng nguồn (nhà cung cấp) và hạ nguồn (khách hàng). Về phía khách hàng, AkzoNobel không ngừng đổi mới, cải tiếng sản phẩm để gia tăng các lợi ích bền vững.
Đối với nhà cung cấp, khí thải gây ảnh hưởng lớn nhất đến từ nguyên liệu thô như phụ gia màu, nhựa và dung môi. Vì vậy, AkzoNobel hợp tác với các nhà cung cấp để sử dụng nguyên liệu sinh học, thành phần tái chế hoặc nguyên liệu thô được sản xuất bởi năng lượng tái tạo. AkzNobel theo dõi chặt chẽ vòng đời từ đầu đến cuối của các nguyên liệu thô và thành phẩm để giảm các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, tác động của vận chuyển và các loại bụi phát tán ra môi trường khác.
Trên thực tế, do chiếm tới 30-50% tổng đầu tư xây dựng, vật liệu xây dựng là một yếu tố vô cùng quan trọng để xây dựng các đô thị sinh thái. Theo các chuyên gia, vật liệu xây dựng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không nhỏ bởi tiêu tốn nhiều tài nguyên, tạo ra các chất thải độc hại, rác thải xây dựng khó tái chế. Vì vậy, việc tìm kiếm các vật liệu “xanh” trong xây dựng đang là xu hướng phát triển bền vững được nhiều người quan tâm. Gạch không nung, nhôm kính, đá nhân tạo, xi măng sợi, sơn an toàn… là những vật liệu xây dựng bền vững đang được nhiều doanh nghiệp tập trung sản xuất.
Đơn cử như sơn, vật liệu xây dựng phổ biến này đang có bước chuyển mình mạnh mẽ khi hàm lượng những chất cực độc đối với con người và môi trường như chì, VOC, Formaldehyde càng ngày càng được giảm thiểu. Thậm chí nhiều doanh nghiệp sơn hàng đầu còn ứng dụng rất nhiều công nghệ giúp đảm bảo các yếu tố bền vững, xanh sạch cho môi trường, đáp ứng tiêu chí của các đô thị sinh thái.
“Xây dựng các đô thị sinh thái là nhu cầu tất yếu về việc nâng cao chất lượng không gian ở, môi trường sống theo tiêu chí sống xanh, khoẻ mạnh và phát triển bền vững. Trong đó, sơn là một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua. Là công ty sơn và chất phủ hàng đầu thế giới, trong những năm qua, AkzoNobel luôn phát huy khả năng và tận dụng các sản phẩm của mình để mang lại những giải pháp hiệu quả, góp phần phát triển ngày càng nhiều các đô thị sinh thái nói riêng và phát triển bền vững đô thị nói chung” – Bà Nguyễn My Lan, Tổng Giám đốc đơn vị Sơn trang trí AkzoNobel Việt Nam cho biết.
Cụ thể, AkzoNobel đang hoạt động dựa trên chiến lược 3P (Con người – Hành tinh – Sơn) với những mục tiêu dài hơi hướng tới tương lai phát triển bền vững. Trong đó, doanh nghiệp này sẽ giảm 50% phát thải cacbon trong hoạt động vào năm 2030, giảm 42% trong toàn bộ chuỗi giá trị so với năm 2020, giảm 50% tiêu thụ năng lượng vào năm 2030 so với năm 2018 và sử dụng 100% điện tái tạo vào năm 2030.
Các chuyên gia đô thị cũng nhận định, để có thể có những đô thị sinh thái đúng nghĩa, cần sự đồng hành, quyết tâm của rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất. Bởi lẽ khi bắt đầu từ những giá trị cốt lõi như kiến trúc hay vật liệu xây dựng, các đô thị sinh thái ở Việt Nam sẽ thực sự là các đô thị sinh thái, mang tới cuộc sống xanh, sạch và bền vững.