Vinasoy mở rộng danh mục sản phẩm

Ngoài sữa đậu nành, công ty sẽ mở rộng sang các loại hạt, thịt thực vật để đẩy mạnh xuất khẩu – theo chiến lược trở thành chuyên gia dinh dưỡng thực vật vừa công bố.

Trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập của Vinasoy diễn ra hôm 17/12, ông Ngô Văn Tụ, Tổng giám đốc Vinasoy công bố sứ mệnh và tầm nhìn mới của doanh nghiệp. Theo đó, công ty sẽ xây dựng hệ sinh thái dinh dưỡng thực vật đẳng cấp thế giới vào năm 2030 và tiên phong phát triển các giải pháp dinh dưỡng toàn diện.

Vinasoy mở rộng danh mục sản phẩm
Ban giám đốc Vinasoy công bố tầm nhìn – sứ mệnh mới tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập công ty, ngày 17/12, tại Quảng Ngãi. Ảnh: Vinasoy

Các sản phẩm của công ty sẽ không chỉ dừng lại ở sữa đậu nành mà mở rộng sang các loại sữa hạt, sữa chua và cả thịt thực vật. Động thái đầu tiên cho tầm nhìn này là hãng ra mắt sản phẩm sữa chua đầu tiên Veyo Yogurt vào tháng 5 năm nay. Sản phẩm được lên men từ sữa 5 loại hạt macca, hạnh nhân, dẻ cười, óc chó, và đậu nành; kết hợp cùng ba hương vị trái cây có xuất xứ Nhật Bản gồm dâu Nhật, đào Nhật và cam Yuzu.

Vinasoy mở rộng danh mục sản phẩm 2
Sản phẩm Veyo Yogurt, sữa chua uống 100% thực vật, đánh dấu bước chuyển mình của Vinasoy trở thành chuyên gia dinh dưỡng thực vật vươn tầm thế giới. Ảnh: Vinasoy

Theo đại diện doanh nghiệp, định hướng chiến lược này phù hợp với cơ hội và tiềm năng phát triển của thị trường dinh dưỡng thực vật tại Việt Nam và trên thế giới. Mới đây, Data Bridge Market Research dự báo thị trường dinh dưỡng thực vật toàn cầu sẽ tăng trưởng 7,4%/năm từ nay đến năm 2029.

Có mặt tại sự kiện, PGS.TS. Trương Tuyết Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết chiến lược Phát triển Dinh dưỡng Quốc gia công bố đầu năm 2022 đã đưa mục tiêu “thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý và an ninh thực phẩm” lên hàng đầu. Với thực tế người Việt tiêu thụ đạm động vật cao hơn mức khuyến nghị của Hiệp hội Phòng chống ung thư quốc tế và tiêu thụ rau, quả ít hơn mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, việc kêu gọi người Việt tiếp tục đa dạng thực phẩm nhưng tăng sử dụng các nhóm thực vật nhiều hơn là cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Ngoài lợi ích sức khỏe, tiêu thụ dinh dưỡng thực vật cũng góp phần bảo vệ môi trường, chống phát thải khí nhà kính, đảm bảo hệ sinh thái trong tất cả các vấn đề liên quan đến con người hiện nay.

“Với vị thế chuyên gia am hiểu sâu sắc về đậu nành và dinh dưỡng thực vật, Vinasoy sẽ xây dựng thành công chuỗi giá trị cung ứng đa dạng, giúp người tiêu dùng có chế độ dinh dưỡng cân bằng, duy trì sức khỏe bền vững hơn”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Vinasoy mở rộng danh mục sản phẩm 3

Các nhà lãnh đạo Vinasoy tự tin với tầm nhìn và sứ mệnh mới nhờ nền tảng đạt được trong chặng đường 1/4 thế kỷ đã qua. Từ nhà máy sữa Trường Xuân ban đầu, đến nay Vinasoy đã sở hữu ba nhà máy bao gồm nhà máy tại Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Bình Dương, lắp đặt những dây chuyền công nghệ hiện đại của tập đoàn Tetra Park (Thụy Điển). Với năng lực sản xuất của cả 3 nhà máy là 390 triệu lít, tương đương 2 tỉ sản phẩm mỗi năm, Vinasoy đang dẫn đầu thị trường ngành hàng sữa đậu nành hộp giấy trong nước với 92,2% thị phần (theo số liệu của Nielsen IQ năm 2021) và thuộc Top 5 công ty sữa đậu nành lớn nhất thế giới 4 năm liên tiếp 2018 – 2021 (theo Global Data).

Thời gian qua, Vinasoy không ngừng nghiên cứu khoa học, phát triển vùng nguyên liệu. Từ năm 2013, doanh nghiệp thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) quy tụ những nhà khoa học tâm huyết trong và ngoài nước cùng nghiên cứu phát triển gen, chọn tạo, phục tráng những giống đậu nành truyền thống của Việt Nam trở thành các giống đậu nành có năng suất cao và dễ canh tác hơn.

Tiến sĩ Lê Hoàng Duy, Phó giám đốc VSAC cho biết, 10 năm nghiên cứu, trung tâm đã tạo ra được 1533 nguồn gen quý. Hai giống đậu nành do Trung tâm lai tạo đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp bằng bảo hộ giống cây trồng, trong đó một giống được cấp phép lưu hành sản xuất đại trà tại miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng Sông Hồng và Sông Cửu Long nhờ có phổ thích nghi rộng, cho năng suất từ 2,5 – 3,5 tấn một hecta (cao hơn 60 đến 130% so với giống cũ).

Ứng dụng khoa học, công nghệ cũng được doanh nghiệp này chú trọng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Theo ông Ngô Văn Tụ, đơn vị sẽ hợp tác với FPT để chuyển đổi số toàn diện. “Người tiêu dùng chính là người mang lại tất cả cho doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp muốn thành công, phảỉ đáp ứng được mong muốn và nhu cầu của người tiêu tiêu dùng, từ chất lượng sản phẩm đến sự thuận tiện trong mua hàng”, vị CEO cho biết.

Dịp này, Vinasoy dành tặng Quỹ Khuyến học Sữa đậu nành Việt Nam 25 tỷ đồng để khuyến học và hỗ trợ các em học sinh khó khăn trong cộng đồng.