Vaccine Covid-19 thế hệ mới sẽ thế nào

Ngày 13/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi phát triển vaccine mới với khả năng chống lây nhiễm cao hơn, cho rằng tiêm nhiều liều tăng cường các vaccine hiện có không phải chiến lược bền vững.

Vaccine thế hệ mới được kỳ vọng bảo vệ người tiêm khỏi nguy cơ nhiễm virus hiệu quả hơn, dễ bảo quản, vận chuyển và có thể sử dụng ở đường uống, xịt.

“Chiến lược tiêm chủng dựa vào các liều tăng cường lặp đi lặp lại của vaccine hiện có dường như không phù hợp hay bền vững”, nhóm cố vấn WHO về chế phẩm vaccine Covid-19 (TAG-Co-VAC) ra tuyên bố hôm 11/1.

Theo các chuyên gia WHO, nên phát triển vaccine mới không chỉ có khả năng bảo vệ người tiêm khỏi nguy cơ trở nặng, tử vong mà còn bảo vệ người tiêm khỏi nguy cơ nhiễm virus hiệu quả hơn.

Trong khi đó, sự xuất hiện của các biến chủng mới như Delta và Omicron cũng khiến giới khoa học công nhận nhu cầu mở rộng kho vũ khí của nhân loại. Họ cho rằng thế giới cần có các loại vaccine với công nghệ khác nhau để cung cấp khả năng miễn dịch mạnh mẽ.

Vậy vaccine thế hệ thứ hai sẽ có những điểm đặc biệt gì?

Đầu tiên, vaccine mới được kỳ vọng sẽ bảo vệ con người trong thời gian dài hơn so với vaccine thế hệ cũ. Nhiều dữ liệu cho thấy phản ứng miễn dịch của người (sau tiêm chủng hay nhiễm nCoV tự nhiên) sẽ suy giảm theo thời gian. Phản ứng của tế bào T (tế bào miễn dịch) cũng giảm ở một mức độ nào đó.

Công ty công nghệ sinh học Gritstone gần đây thử nghiệm lâm sàng vaccine dựa trên RNA tự khuếch đại (saRNA), dạng mới của công nghệ RNA. Vaccine giúp kích thích phản ứng tế bào T một cách bền vững, lâu dài để chống lại các vùng được bảo toàn của nCoV và những chủng virus corona khác. Ngoài ra, saRNA tạo ra các bản sao của chính nó một lần bên trong các tế bào của cơ thể, tương tự mRNA nhưng với liều lượng nhỏ hơn 50-100 lần. Như vậy vaccine rẻ và dễ điều chế.

Yêu cầu trữ lạnh, ở nhiệt độ âm sâu của vaccine tiên phong cũng gây trở ngại với các quốc gia thu nhập thấp. Hiện chỉ khoảng 46% dân số Ấn Độ được tiêm chủng đầy đủ. Các nhà khoa học mong muốn vaccine thế hệ tiếp theo bảo quản dễ dàng hơn.

Akston Bioscience, công ty khởi nghiệp tại Mỹ chuyên về công nghệ y sinh, sắp thử nghiệm vaccine Covid-19 có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng, giúp vận chuyển vaccine dễ dàng hơn tới các nước đang phát triển.

Công ty khác là Ziccum đã phát triển công nghệ làm khô vaccine, chuyển chúng thành dạng bột để vận chuyển mà không cần tủ đông lạnh. Ziccum đang hợp tác với Johnson & Johnson để nghiên cứu thêm về phương pháp này.

Kỳ vọng tiếp theo đối với vaccine Covid-19 thế hệ thứ hai là tạo nhiều kháng thể với chất lượng tốt hơn.

Năm 2020, các nhà khoa học của Novavax đã phát hiện ra chất bổ trợ (tá dược) mạnh mẽ gọi là Matrix-M, nguồn gốc từ cây Quillay, một loại cây thường xanh quý hiếm ở Chile. Trong thử nghiệm giai đoạn cuối, các nhà khoa học cho biết vaccine hiệu quả mạnh mẽ, ngăn ngừa cả Covid-19 và cúm.

Vaccine Novavax dựa trên công nghệ protein, sử dụng các hạt nano nhọn, cùng hợp chất từ cây quillaja saponaria nhằm huy động tế bào miễn dịch đến vị trí tiêm. Tế bào miễn dịch ghi nhớ protein của virus để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập cơ thể sau này. Novavax hôm 14/6 thông báo vaccine của hãng đạt hiệu quả 100% trong ngăn ngừa ca bệnh vừa và nặng, 93% hiệu quả đối với một số biến thể.

Đến 21/12, vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt, trở thành loại vaccine Covid-19 thứ 10 trong danh sách của cơ quan.

Theo Filip Dubovsky, Giám đốc y tế Novavax, chất bổ trợ Matrix-M giúp vaccine kích thích sản xuất kháng thể trung hòa chất lượng cao hơn.

“Điều quan trọng không chỉ là kháng thể của bạn tăng đến mức nào, mà là nó vô hiệu hóa virus tốt đến đâu. Chúng tôi có dữ liệu từ nghiên cứu lâm sàng cho thấy vaccine (Novavax) tạo kháng thể trung hòa ở mức độ rất cao. Vì vậy, không chỉ nhận ra protein gai, chúng còn ngăn chặn virus lây lan”, ông giải thích.

Brian Ward, Giám đốc y tế công ty công nghệ sinh học Medicago, đối tác của Novavax, cho biết: “Vaccine mRNA tạo hiệu quả kháng thể cao hơn 2,5 đến 4 lần so với miễn dịch sau nhiễm nCoV tự nhiên. Kháng thể từ vaccine của Novavax cao hơn 10-15 lần”.

Một số đơn vị hướng đến vaccine đường uống dễ dàng sử dụng. Vaxart đang đăng ký thử nghiệm giai đoạn hai vaccine dạng viên nén, tạo phản ứng kháng thể ở mũi, kỳ vọng ngăn chặn hiệu quả virus lây lan. Vaccine giúp giải quyết nỗi sợ kim tiêm của một số người.

Vaccine Covid-19 thế hệ mới
Nhân viên đóng gói vaccine Covid-19 tại Viện Serum, Ấn Độ, tháng 1/2021. Ảnh: NY Times

Dù tiềm năng, không phải canh bạc nào cũng thu về trái ngọt. Phát triển vaccine là ngành công nghiệp nổi tiếng bấp bênh. Những thành tựu của năm 2020 được đánh giá là chưa từng có tiền lệ. Song các chuyên gia cảnh báo điều này không có nghĩa đợt ra mắt vaccine thế hệ hai cũng có kết quả tốt đẹp.

Sản phẩm của CureVac là một ví dụ. Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, vaccine gây thất vọng khi chỉ hiệu quả 47%. Hãng đang hợp tác với GSK để theo đuổi mục tiêu mới. Vaccine nhắm vào nhiều biến chủng nCoV cùng lúc. Trong nghiên cứu tiền lâm sàng, vaccine tạo ra lượng kháng thể gấp 10 lần so với phiên bản đầu tiên.

Thất bại của CureVac cho thấy những thách thức mà công ty phát triển vaccine thế hệ hai phải đối mặt. Song di sản lớn nhất của các nghiên cứu là giúp thế giới chuẩn bị tốt hơn cho các đợt bùng phát trong tương lai – điều mà các nhà khoa học tin rằng không thể tránh khỏi, dựa trên xu hướng phát triển của dịch bệnh trong hai thập kỷ vừa qua.

“Chúng ta đã trải qua ba lần virus corona hoành hành trong 20 năm: SARS năm 2002, MERS năm 2012 và sau đó là Covid-19. Bất cứ ai đều đồng ý rằng sẽ có đợt bùng phát khác, chúng ta phải sẵn sàng đối đầu và làm tốt hơn”, Andrew Allen, Giám đốc điều hành công ty công nghệ sinh học Gritstone, nói.