Trùng Khánh – Trái tim của du lịch Cao Bằng
Trùng Khánh là huyện biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Cao Bằng, vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa độc đáo, nhiều danh thắng nổi tiếng, xứng đáng là sự lựa chọn lý tưởng cho du khách khi đến với Cao Bằng.
Trên địa bàn huyện Trùng Khánh có 15 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó: 04 di tích quốc gia (thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao thuộc xã Đàm Thủy; Địa điểm Đài tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng (1966-1978) thuộc thị trấn Trùng Khánh; Mắt Thần Núi thuộc xã Cao Chương) và 11 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được công nhận là di tích cấp tỉnh.
Bản Giốc – đệ nhất danh thác Việt Nam
Cảnh quan Mắt Thần Núi
Bên cạnh đó, Trùng Khánh còn có rất nhiều phong cảnh đẹp như: sông Quây Sơn, sông Bắc Vọng, hồ Bản Viết, cảnh quan Phong Nặm, thác Phja Siểm, thác Cò Là… và nhiều địa danh nổi tiếng khác gắn với các giá trị văn hóa phi vật thể như: các làn điệu dân ca Dá Hai, Sli Giang, Hà Lều, Phong Slư, hát Then, hát Lượn…
Sông Quây Sơn xanh màu ngọc bích
Vẻ đẹp yên bình thác Phja Siểm
Nơi du khách có thể nghỉ ngơi thư giãn tại thác Cò Là
Đặc biệt, trên địa bàn huyện còn bảo lưu nhiều lễ hội truyền thống như: lễ hội đền Hoàng Lục (xã Đình Phong), lễ hội Co Sầu (thị trấn Trùng Khánh), lễ hội Cầu mùa (xã Trung Phúc), lễ hội Lồng Tồng (xã Cao Chương, xã Tri Phương), lễ hội Thanh Minh (xã Quang Trung)… Hàng năm, các lễ hội này thu hút được nhiều du khách thập phương đến tham quan du lịch, khám phá vùng đất, con người, đặc biệt là phong tục tập quán của người dân bản địa. Ngoài ra, Lễ hội du lịch thác Bản Giốc được tổ chức thường niên thu hút được rất đông du khách đến tham quan.
Lễ hội Ánh sáng thác Bản Giốc năm 2019 (Nguồn: Sách ảnh Non nước Cao Bằng – Xứ sở thần tiên)
Trùng Khánh còn là quê hương của nhiều món ăn hấp dẫn như: vịt cỏ, xôi ngũ sắc, bánh khảo, nếp ong, thạch trắng… và hạt dẻ – loại quả đặc hữu thơm ngon nổi tiếng ở miền non nước Cao Bằng.