Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp”

Dù mới bắt tay vào hiện thực hóa dự án của mình được khoảng 6 tháng, nhưng Tuệ Nhi (sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành Khoa học máy tính, Trường ĐH VinUni) cho hay em đã có được rất nhiều bài học vô giá mà chỉ khi thực sự khởi nghiệp Nhi mới “thấm”.

Triển khai dự án về ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dự đoán tâm lý và từ đó đưa ra phương án hỗ trợ cho các học sinh, Nhi gặp nhiều khó khăn khi phải phối hợp nhiều lĩnh vực, trong đó tâm lý học đường lại là vấn đề rất phức tạp.

Giải quyết từng thách thức đặt ra khi khởi nghiệp cũng chính là quá trình từng bước trưởng thành hơn của cô sinh viên tài năng. Nhi phải học và hoàn thiện hơn nhiều kỹ năng, từ cách tư duy lạc quan, cách quản lý thời gian, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đàm phán, làm việc nhóm, quản lý nhân sự…

Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp”

Trần Tuệ Nhi, sinh viên năm 2 chuyên ngành Khoa học máy tính, Trường Đại học VinUni chia sẻ về dự án khởi nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dự đoán tâm lý và hỗ trợ tâm lý cho học sinh THPT.

Việc phải nghiên cứu sâu về công nghệ để ứng dụng vào sản phẩm cũng giúp em học thêm nhiều kiến thức về ngành học của mình, hiểu được cách áp dụng kiến thức học trong trường vào giải quyết bài toán thực tế.

“Em cũng rút ra được bài học sâu sắc về việc phải luôn luôn chủ động. Thứ hai là phải thật sự kiên trì với dự án mình làm vì việc thất bại trong quá trình khởi nghiệp là rất nhiều như thất bại trong đàm phán, sản phẩm chưa hoàn thiện phải làm đi làm lại nhiều lần…”, Nhi trải lòng.

Đây cũng là chia sẻ của Phan Nhật Minh, sinh viên năm 2 Viện Kinh doanh quản trị, trường ĐH VinUni. Đã có hai năm đồng hành với dự án Young change maker, dự án chuyên về hướng nghiệp cho học sinh cấp 3 của sinh viên VinUni, Nhật Minh cho biết có rất nhiều kỹ năng mà chỉ khi thực sự bắt tay vào làm mới va vấp và học hỏi nhiều hơn, nhanh hơn. “Kỹ năng làm việc nhóm, đàm phán, tư duy giải quyết vấn đề, phản biện, nghiên cứu thị trường, lên kế hoạch dự trù và phân bổ tài chính để có thể duy trì dự án bền vững, xử lý mối quan hệ trong công việc, linh hoạt trong các tình huống…là những kỹ năng có làm mới nhìn nhận ra và trưởng thành hơn,” Minh cho hay.

Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp”2

Sớm thất bại, sớm thành công

Theo tiến sỹ Phí Thị Linh Giang, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp, Trường ĐH VinUni, những bài học sinh viên tích lũy được cũng là điều VinUni hướng tới khi gia tốc khởi nghiệp quốc tế cho sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, phát triển môi trường đại học khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

“Thực tế là phần lớn các start up của sinh viên có thể sẽ thất bại. Nhưng điều chúng tôi muốn hỗ trợ sinh viên là trong quá trình đó các em học được kỹ năng, tư duy khởi nghiệp và có thể áp dụng tư duy khởi nghiệp ở mọi mặt của cuộc sống, ngay cả trong đời sống hàng ngày và cả sự nghiệp sau này”, TS. Linh Giang chia sẻ.

Đặt tinh thần khởi nghiệp là cốt lõi và là một trong những trụ cột chính của giáo dục đại học, VinUni đã có chương trình đào tạo cũng như chiến lược hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp rất hệ thống, bài bản, chuyên nghiệp và khác biệt. Theo đó, ngay từ năm thứ nhất đại học, tất cả các sinh viên đều được “gieo mầm” tư duy và tinh thần khởi nghiệp qua môn học bắt buộc về đổi mới sáng tạo. Đây cũng là chương trình giáo dục khởi nghiệp chung và được thiết kế bởi Đại học Cornell, top 20 đại học hàng đầu thế giới – đối tác chiến lược của VinUni. Tất cả các sinh viên đều sẽ phải làm bài tập lập dự án giải quyết một vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.

Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp” 3

Ngay từ năm thứ nhất, tất cả sinh viên VinUni đều được “gieo mầm” tư duy và tinh thần khởi nghiệp qua môn học bắt buộc về đổi mới sáng tạo – Agile Innovation, đây cũng là chương trình giáo dục khởi nghiệp chung và được thiết kế bởi Đại học Cornell, top 20 đại học hàng đầu thế giới – đối tác chiến lược của VinUni.

Các giảng viên trong trường sẵn sàng trở thành đội ngũ cố vấn cho các ý tưởng của sinh viên. Những dự án chất lượng sẽ được Trung tâm Khởi nghiệp đầu tư tài chính với mức 2.000 USD để ươm mầm. Mức đầu tư tài chính có thể tăng lên tùy theo tính khả thi, hiệu quả của dự án.

Chia sẻ kỹ hơn về kỹ năng trong đào tạo khởi nghiệp, bà Giang cho hay cần giúp sinh viên tiếp cận nhẹ nhàng để các em hiểu là mọi người đều có thể khởi nghiệp. Cụ thể, nhà trường sẽ cung cấp cho sinh viên những thử thách với nhiều dự án. Sinh viên phải giải quyết nhiều vấn đề cho những con người thực, công ty thực.

“Từ đó các em sẽ nhận ra mình cũng có thể khởi nghiệp, mở công ty để tạo nhiều ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Nên tiếp cận bằng tư duy tò mò, khám phá những thử thách, vấn đề xung quanh mình và nảy ra những ý tưởng giải quyết chúng”, TS. Linh Giang nói.

Theo các nghiên cứu quốc tế, giáo dục tinh thần khởi nghiệp và môi trường kinh doanh tại trường đại học là những yếu tố quyết định chính đến các ý định và hoạt động kinh doanh của sinh viên. Các công ty khởi nghiệp do sinh viên lãnh đạo nhận được cơ hội ươm tạo ở cấp đại học thông qua các chương trình khởi nghiệp và vườn ươm đại học có cơ hội thành công và tạo việc làm cao hơn. Minh chứng thực tế là Đại học Stanford, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Harvard dẫn đầu về số lượng người sáng lập huy động được 500.000 đô la trở lên trong năm 2021, với tổng hơn 800 doanh nhân khởi nghiệp mới.

Vì thế, theo TS. Linh Giang, việc tạo môi trường khởi nghiệp và sáng tạo, thúc đẩy sinh viên khởi nghiệp sớm trong trường đại học sẽ giúp xây dựng được đội ngũ doanh nhân chất lượng không chỉ cho Việt Nam mà cho cả thế giới./.