Thái Công và cảm hứng thẩm mỹ nội thất luxury
Nổi tiếng danh giá trong lĩnh vực kinh doanh, thiết kế nội thất luxury, Nhà Thiết kế Nội thất Thái Công (NTK NT Thái Công) mong muốn có thể truyền cảm hứng thiết kế nội thất đẳng cấp cho những chủ nhà triệu đô.
Thị trường 365 đã có buổi trò chuyện với NTK NT Thái Công tại showroom lộng lẫy mới khai trương ngay vị trí trung tâm TP. HCM, số 66-68 Hai Bà Trưng, Quận 1. Toà nhà Thái Công được thiết kế với nhiều cảm hứng và phong cách khác nhau nhưng tổng thể lại rất hài hoà. Từ concept thư viện tại sảnh ở tầng trệt, thang máy đậm phong cách modern classic cực kỳ ấn tượng, trong mỗi thang là một chiếc đèn trần bằng pha lê của Saint Louis; cầu thang bộ được trải thảm nhung màu beige cho đến giấy dán tường màu xám với hoạ tiết tinh tế. Đặc biệt phải kể đến những chi tiết nội thất khác cực kỳ tráng lệ được lựa chọn tỉ mỉ, cao cấp như vải ghế được nhập từ Ý, đèn của Pháp, chén dĩa nhập từ châu Âu… Mỗi chi tiết đều là sự chỉn chu, chất lượng và càng tôn lên vẻ sang trọng bậc nhất ở đây, mở ra cơ hội trải nghiệm sản phẩm, không gian nội thất xa xỉ của giới thượng lưu trên thế giới.
P.V: Thưa ông, trước tiên chúng tôi có lời chúc mừng ông vừa khai trương showroom nội thất Thái Công lộng lẫy với 8 tầng tại vị trí đắc địa trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM.
Với quyết định đầu tư khủng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, ông có thể đánh giá tốc độ tăng trưởng của thị trường tiêu dùng nội thất luxury tại Việt Nam?
NTK NT Thái Công: Trên thế giới, đối tượng khách hàng luxury chỉ chiếm khoảng 1% dân số và không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế. Thái Công nghĩ tỉ lệ này ở Việt Nam càng ít ỏi hơn. Và chúng ta có thể hình dung sự tăng trưởng thị trường này qua câu chuyện sau đây. Mười năm trước, Thái Công mở showroom tại Tú Xương (Q.3, TP.HCM), đã bắt đầu kinh doanh những mặt hàng nội thất danh giá trên thế giới như Baccarat, Christofle, Saint Louis, Fürstenberg đến từ Pháp, Đức, Ý… nhưng nhiều người giàu có chưa sẵn sàng bỏ tiền mua những sản phẩm này. Họ bỏ ra 25.000 USD để mua một cái túi xách nhưng họ lại chưa có thói quen chi số tiền này để mua một cái giường ngủ. Hay chi 100.000 USD mua 1 chiếc đồng hồ nhưng để mua một chiếc đèn chùm thì không.
Ba năm gần đây, đã có nhiều khách đã sẵn sàng chi số tiền lớn cho nội thất, nhà ở. Nguyên nhân có thể hiện nay thì kinh tế Việt Nam cũng phát triển hơn 10 năm trước, ngày càng có nhiều người có tiền hơn. Những người có tiền đã mua đủ những vật dụng cơ bản như đồng hồ, túi xách luxury rồi nên bây giờ hướng tới muốn ở trong một ngôi nhà có không gian đẹp hơn, muốn hưởng thụ cuộc sống tốt hơn. Xu hướng này không chỉ diễn ra trong phân khúc thiết kế nội thất mà còn ở tất cả các mặt hàng thời trang, tiêu dùng cao cấp khác.
Vì vậy, có thể Thái Công muốn đem tới một cảm hứng nào đó cho tương lai thị trường nội thất ở Việt Nam. Nhiều người cảm nhận được văn hoá thiết kế, phong cách nội thất sang trọng thật sự chứ không phải sự sap chép, lắp ghép chưa phù hợp. Mà điều này Thái Công thấy thị trường Việt Nam đang phát triển rất tốt, ngày càng có nhiều công ty thiết kế nội thất, nhiều kênh truyền thông, cụ thể như báo chí cũng góp phần thay đổi thị hiếu thẩm mỹ theo xu hướng tích cực. Lớp trẻ Việt Nam cũng có hiểu biết thẩm mỹ và ngày càng có “gu” hơn thế hệ trước.
Trở lại con số 1% đề cập ở trên, Thái Công nghĩ chỉ cần có 1% trong con số 1% đó, ví dụ ở Việt Nam, 1% của 100 triệu dân là 10.000 khách hàng. Con số này Thái Công cũng không phục vụ hết, vì vậy càng nhiều công ty tham gia thị trường luxury thì thị trường càng sôi động và nâng cao thị hiếu tiêu dùng. Tư duy thẩm mỹ được nâng cao sẽ góp phần thúc đẩy thị trường phát triển tốt hơn, Việt Nam có nhiều công trình đẹp hơn.
P.V: Kinh doanh ở phân khúc thị trường này, khuyến khích tiêu dùng luxury, nếu hiểu theo nghĩa tích cực luxury là cao cấp, nếu hiểu theo nghĩa tiêu cực là xa xỉ. Ông nghĩ liệu chúng ta nên tư duy như thế nào về hành động mua sản phẩm nội thất luxury?
NTK NT Thái Công: Thái Công không phải là nhà bảo vệ môi trường, bảo vệ văn hoá. Nhưng thực tế chúng ta có thể thấy những sản phẩm càng đắt tiền được các nghệ nhân của những công ty đẳng cấp thế giới làm ra thì có tuổi đời rất lâu dài. Thế giới đang khuyến khích những sản phẩm có tuổi đời lâu dài để bảo vệ môi trường, khác với sản phẩm có tuổi đời ngắn và phải sản xuất nhiều để thay thế sẽ tiêu hao nhiều tài nguyên môi trường.
Những sản phẩm luxury tự thân đã mang những giá trị thẩm mỹ, văn hoá khi mới hoàn thành. Trải qua quá trình tồn tại lâu dài, được nhiều đời sử dụng thì sản phẩm còn mang giá trị văn hoá của cá nhân người dùng, của gia đình, của quốc gia.
Ngược lại, nếu không ai sử dụng những sản phẩm cao cấp, tài hoa của những người thợ vốn đã hiếm hoi cũng có thể bị thất truyền, những công ty danh giá ít ỏi trên thế giới sẽ đóng cửa.
Vì vậy, Thái Công cũng rất mừng khi thế giới, trong đó có Đông Nam Á và ngay cả Việt Nam, ngày càng nhiều người sử dụng, nhìn ra giá trị của những sản phẩm luxury này.
P.V: Showroom Thái Công có nhiều sản phẩm cao cấp đến từ các thương hiệu danh giá đến từ các nước, Mỹ, Pháp, Ý… các nước châu Âu. Ông nghĩ sao nếu có người đặt câu hỏi vì sao các showroom của ông không có nhiều sản phẩm thương hiệu châu Á?
NTK NT Thái Công: Châu Á có nhiều nguyên vật liệu nổi tiếng như sơn mài ở Việt Nam, vải ở Trung Quốc, Ấn Độ. Nhưng những nguyên vật liệu này thường được mang về Pháp hay các nước có trình độ thiết kế đẳng cấp, nghệ nhân có tay nghề cao, công ty có tuổi đời lâu chuyên sản xuất các sản phẩm luxury thì sản phẩm mới đạt tầm giá trị như mong muốn. Điều này có thể hình dung như đồng hồ Rolex thì phải được sản xuất tại Thụy Sĩ. Theo Thái Công được biết một thương hiệu nữ trang cao cấp của Pháp từng sử dụng nguyên liệu sơn mài của Việt Nam thì công ty cũng cho nhân viên Pháp đến Việt Nam thiết kế, chế tác. Thành phẩm ra đời sẽ được gửi lại về công ty tại Pháp để được kiểm định rồi mới đưa ra thị trường.
Do đó, Thái Công không quan tâm sản phẩm đến từ đâu nhưng những sản phẩm này phải đạt ba yếu tố: yếu tố thứ nhất là 100% vật liệu cực kỳ đẹp và tốt nhất; yếu tố thứ hai là 100% về trình độ gia công tốt; yếu tố thứ ba là 100% thiết kế xuất sắc. Toàn bộ các sản phẩm đều phải đạt sự hoàn hảo trong từng chi tiết.
P.V: Cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi trò chuyện này. Chúc ông ngày càng thành công hơn nữa.