Hơn 350 trẻ tự kỷ hào hứng tham gia hội thao mừng ngày nhà giáo
Ngày 7/11, Hơn 350 trẻ em rối loạn phổ tự kỷ cùng phụ huynh và giáo viên từ TP. HCM và các tỉnh lân cận đã có một ngày rộn ràng tại nhà thi đấu Hồ Xuân Hương, quận 3, với sự kiện “Ngày hội thể thao và tri ân thầy cô” do Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN), Sở Văn hóa Thể Thao TP. HCM, và Saigon Children’s Charity (saigonchildren) phối hợp tổ chức nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa với các gia đình tham gia khi trẻ tự kỷ được kết nối với bạn bè và tăng cường các kỹ năng xã hội, mà còn góp phần nêu lên tầm quan trọng của các giáo viên, nhà thực hành, và chuyên viên can thiệp trong việc hỗ trợ cộng đồng tự kỷ.
Tại sự kiện, hàng trăm trẻ tự kỷ được tham gia nhiều trò chơi nhằm giúp các em phát triển các giác quan và kỹ năng, chẳng hạn như đưa bóng vào lỗ, xỏ dây, thả cá vào bể, trang trí dâu tây, xâu hạt, tha mồi về tổ…. Các môn thể thao tại sự kiện như bóng chày, khúc côn cầu, bóng đá, và bật xa do Sở VH-TT tổ chức cũng thu hút sự hào hứng không kém của các em. Trước đó, vào sáng ngày 6/11, giải bơi dành cho trẻ tự kỷ nằm trong khuôn khổ chương trình cũng đã được tổ chức tại hồ bơi Yết Kiêu, quận 1.
Với mục đích tri ân các giáo viên và chuyên viên trong lĩnh vực tự kỷ, buổi lễ đã ghi nhận công lao của các nhà thực hành trong việc hỗ trợ trẻ em tự kỷ hòa nhập và phát triển tiềm năng của mình. Hơn năm mươi món quà tri ân đã được trao cho các giáo viên, chuyên gia, và bác sĩ tại sự kiện này.
“Dạy học có thể là công việc khó khăn, đặc biệt là khi trẻ em phải đối mặt với những thách thức như tự kỷ và chậm phát triển. Nhưng nhờ sự tận tuỵ của các thầy cô, những khoảnh khắc kỳ diệu đã được tạo ra khi những đứa trẻ tuyệt vời này có thể phát triển và học hỏi. Các thầy cô giúp trẻ nói những lời đầu tiên, truyền đạt cảm xúc của mình, và bắt đầu tập chăm sóc bản thân theo những cách đơn giản nhưng rất quan trọng,” ông Damien Roberts, Giám đốc Điều hành của saigonchildren, đơn vị đồng tổ chức, chia sẻ.
Chị Phạm Thị Kim Tâm, chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN), cũng cho biết: “Hàng năm VAN đều tổ chức sự kiện dành cho trẻ em tự kỷ, và sự kiện năm nay diễn ra vào tháng 11 với chủ đề tri ân các nhà giáo và nhà thực hành trong lĩnh vực tự kỷ, bởi vì chúng tôi hiểu rằng hành trình của mỗi em bé tự kỷ không chỉ có cha mẹ, ông bà, mà còn có sự đồng hành của rất nhiều bác sĩ, chuyên viên, và thầy cô giáo. Qua sự kiện này chúng tôi cũng hi vọng trẻ em rối loạn phổ tự kỷ sẽ có nhiều sân chơi phù hợp hơn dành cho mình, và xã hội sẽ hiểu và đồng cảm hơn với cộng đồng tự kỷ ‘đa sắc màu.”
Giống như các sự kiện khác đồng tổ chức bởi VAN và saigonchildren, sự kiện lần này được thiết kế đặc biệt cho trẻ tự kỷ với một “câu chuyện xã hội” chi tiết được các giáo viên thiết kế và gửi trước cho các đoàn tham gia, để phụ huynh có thể giải thích về sự kiện và chuẩn bị tâm lý trước cho bé tại nhà. Ngoài ra, tại sự kiện cũng có “phòng yên tĩnh”, là khu riêng biệt với ghế lười và lều để các bé tự kỷ nếu thấy quá tải với các chương trình đang diễn ra có thể nghỉ ngơi và thực hiện các hoạt động riêng theo sở thích của mình.