Công bố đồ án quy hoạch khu Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại Đông Anh
Ngày 19/6 vừa qua, Sở QH-KT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đông Anh tổ chức công bố đồ án Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (Khu vực Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia tại huyện Đông Anh) và đồ án Quy hoạch chi tiết phân khu đô thị GN(A) tỷ lệ 1/5.000 tại các xã Đông Hội, Xuân Canh, Mai Lâm, Cổ Loa, huyện Đông Anh.
Tại đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26/7/2011 xác định bố trí Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại Mễ Trì (50ha) và Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tại xã Xuân Canh, huyện Đông Anh (50ha). Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhập hai trung tâm trên thành Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới, bố trí tại khu vực Cổ Loa, huyện Đông Anh.
Tuy nhiên, việc bố trí Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới, bố trí tại khu vực Cổ Loa, huyện Đông Anh làm thay đổi định hướng quy hoạch tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Do vậy, UBND TP Hà Nội đã có công văn và tờ trình báo cáo Thủ tướng về việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng Thủ đô tại khu vực Đông Anh để xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới.
Vào cuối tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 702/QĐ-TTg về phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Khu vực Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại huyện Đông Anh).
Tại quyết định này, khu vực nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch có tổng diện tích 387,21ha. Trong đó, khu vực điều chỉnh quy hoạch có diện tích khoảng 297ha, bao gồm Khu trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia khoảng 90ha, khu vực phát triển đô thị khoảng 207ha. Khu Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia bao gồm các công trình: Khu triển lãm, khách sạn, khu phụ trợ… Khu phát triển đô thị sẽ bố trí các công trình công cộng đô thị, đầu mối hạ tầng và thương mại, hỗn hợp (thương mại, dịch vụ, quảng trường, bãi đỗ xe, văn phòng, đất ở…) gắn với ga đường sắt đô thị theo mô hình TOD.Hình thành khu đô thị hiện đại, trên nguyên tắc tự cân đối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, khớp nối với các khu vực lân cận. Bổ sung dân số để giảm tải cho khu vực nội đô lịch sử…
Liên quan đến điều chỉnh quy hoạch cục bộ theo Quyết định của Thủ tướng, TP Hà Nội cũng đã giao các đơn vị lập quy hoạch phân khu GN (A), tỷ lệ 1/5.000.Quy hoạch này đã được Sở QH-KT Hà Nội thẩm đinh, xin ý kiến các cơ quan liên quan. Ngày 15/6/2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2465/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị GN(A), tỷ lệ 1/5000 tại các xã Cổ Loa, Đông Hội, Mai Lâm, Xuân Canh, huyện Đông Anh.Quy hoạch phân khu GN(A) có quy mô khoảng 613, 84ha, dân số trên 50.000 người, được phân chia thành 3 khu quy hoạch: Trung tâm Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia; Khu đô thị mới hiện đại; Khu dân cư các thôn: Trung Thôn, Tiên Hội, Lại Đà, Hội Phụ (xã Đông Hội); Xuân Canh, Xuân Trạch, Văn Tinh, Lực Canh (xã Xuân Canh) và một phần đất nông nghiệp các xã Cổ Loa, Mai lâm, Xuân Canh, Đông Hội.
Quy hoạch phân khu GN (A) được phê duyệt sẽ là mốc quan trọng để phát triển khu vực Bắc sông Hồng. Việc phê duyệt quy hoạch này là cơ sở để triển khai các dự án, nhằm tạo dựng bộ mặt đô thị hiện đại gắn với Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, các vùng phát triển theo định hướng TOD.
Việc phát triển đô thị tại đây sẽ giúp TP khai thác cao nhất hiệu quả sử dụng đất khu vực, đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho khu vực làng xóm hiện có để từng bước nâng cao đời sống của người dân và xây dựng đô thị hiện đại tại khu vực huyện Đông Anh.Để thực hiện cụ thể hóa quy hoạch này đòi hỏi sự nỗ lực của chính quyền TP, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân. Thời gian tới song song với việc TP lập các quy hoạch chi tiết tại khu vực này, lãnh đạo Sở QH-KT Hà Nội đề nghị chính quyền huyện Đông Anh tiếp tục phổ biến rộng rãi đến người dân các quy hoạch đã được phê duyệt để tạo sự đồng thuận.Đồng thời, cần tăng cường quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng để khi đồ án được triển khai sẽ hiện thực hóa nhanh nhất, không vướng mắc trong khâu GPMB…