Chọn bồn rửa bát phù hợp với gian bếp
Việc lựa chọn bồn rửa tưởng chừng đơn giản nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong thiết kế và công năng của căn bếp. Tùy theo diện tích, phong cách nội thất và thói quen sử dụng, mỗi gia đình sẽ có lựa chọn khác nhau. Dưới đây là một số loại bồn rửa phổ biến và đặc điểm nổi bật của từng loại.
Bồn rửa bát đơn – Gọn gàng, linh hoạt
Bồn rửa bát đơn có thiết kế một chậu lớn không vách ngăn, phù hợp với những căn bếp nhỏ hoặc các gia đình sử dụng máy rửa chén. Không gian chậu rộng giúp dễ dàng rửa các vật dụng cỡ lớn như nồi, chảo. Với lối sống hiện đại, kiểu bồn này đang ngày càng được ưa chuộng nhờ tính linh hoạt và tiết kiệm diện tích.
Bồn rửa đôi – Tiện lợi cho người rửa bát bằng tay
Bồn rửa đôi gồm hai chậu có thể bằng hoặc lệch kích thước, thích hợp với những ai vẫn thường xuyên rửa bát bằng tay. Một chậu dùng để rửa với nước xà phòng, chậu còn lại để tráng.
Ngoài ra, thiết kế hai chậu riêng biệt giúp phân tách khu vực sơ chế thực phẩm và rửa bát, nâng cao vệ sinh. Tuy nhiên, kiểu này chiếm diện tích mặt bếp và có thể làm giảm không gian lưu trữ bên dưới.
Bồn rửa âm – Hiện đại, dễ vệ sinh
Bồn rửa âm là loại được lắp bên dưới mặt bàn bếp, tạo bề mặt phẳng, liền mạch. Nhờ thiết kế này, người dùng có thể dễ dàng gạt thức ăn thừa hoặc nước thừa vào chậu rửa mà không bị cản bởi viền. Bồn rửa âm phù hợp với các loại mặt bàn đá hoặc thạch anh, nhưng không nên dùng với gỗ công nghiệp vì dễ hư hại do nước thấm vào cạnh bàn.
Bồn rửa thả chìm – Dễ lắp đặt, tiết kiệm chi phí
Khác với bồn âm, bồn rửa thả chìm được đặt từ trên xuống mặt bàn qua một lỗ cắt sẵn. Đây là lựa chọn lý tưởng cho mặt bàn gỗ công nghiệp vì phần viền bồn rửa bao phủ các cạnh tiếp xúc, hạn chế nước thấm vào. Bồn rửa thả chìm thường có giá thành phải chăng, dễ lắp đặt nên phù hợp với các gia đình có ngân sách hạn chế hoặc muốn tự thi công.
Bồn rửa mặt trước (Apron) – Điểm nhấn thẩm mỹ
Thường được gọi là bồn rửa kiểu nông trại, loại này có phần mặt trước lộ ra ngoài, tạo điểm nhấn thẩm mỹ cho không gian bếp.
Bồn thường sâu và rộng, thích hợp với những ai thường xuyên nấu nướng. Tuy nhiên, cần tính toán kỹ phần tủ bếp để lắp đặt vừa vặn. Ngoài ra, với những người cao, độ sâu của bồn có thể gây bất tiện khi sử dụng lâu dài.
Dù chọn loại nào, điều quan trọng là bồn rửa phải phù hợp với thói quen sinh hoạt, diện tích và chất liệu bàn bếp. Đầu tư đúng cho bồn rửa không chỉ giúp tăng tính thẩm mỹ mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng cho không gian bếp của bạn./.