BSA báo cáo chiến dịch Hợp pháp hóa phần mềm
Ngày 4/12, Liên minh phần mềm vừa công bố báo cáo cho thấy kết quả quá trình hợp pháp hóa việc sử dụng phần mềm tại Việt Nam. Tổ chức này hiện đang xem xét hồ sơ của 3.500 công ty ở phía Bắc, 1.500 công ty ở khu vực miền Trung và 5.000 công ty ở phía Nam.
Các luật sư tại BSA đang thảo luận với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam để tiến hành thanh tra vào tháng 12 nhằm phát hiện thêm các vi phạm luật pháp quốc tế về IP và an ninh mạng quốc gia.
Các chính phủ khắp ASEAN, trong đó có Việt Nam, đồng ý rằng mức độ sử dụng phần mềm trái phép càng cao thì càng đe dọa tới an toàn, an ninh mạng quốc gia và các tập đoàn có trách nhiệm quản lý phần mềm tại doanh nghiệp. Việt Nam hiện đang tiếp bước các thị trường khác tại ASEAN, nơi các CEO đã chủ động hơn trong việc quản lý phần mềm trong doanh nghiệp để đảm bảo tính hợp pháp.
Tỷ lệ sử dụng phần mềm không được cấp phép của Việt Nam là 75%, theo Khảo sát Phần mềm Toàn cầu BSA 2018. Trong khi đó, tỷ lệ trung bình ở Châu Á Thái Bình Dương là 57%.
Sáng kiến “Hợp pháp hóa và bảo vệ”
BSA đã đưa ra sáng kiến “Hợp pháp hóa và Bảo vệ” (Legalize and Protect) với mục đích cung cấp thông tin cho các CEO về nhiều rủi ro liên quan đến việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp, bao gồm các rủi ro về an ninh mạng. Hồi tháng 9, BSA đã phát động chiến dịch “Xóa bỏ phần mềm không phép” (Clean Up to the Countdown) để thuyết phục các CEO đảm bảo các tập đoàn của họ tuân thủ cho đến dịp năm mới 2020. Chiến dịch được triển khai tại bốn quốc gia Đông Nam Á là: Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Chiến dịch đã đi được nửa chặng đường. Bước tiếp theo, BSA sẽ tiến hành tiếp cận gần 20.000 công ty trong khu vực ASEAN bị nghi ngờ sử dụng phần mềm bất hợp pháp.
Trên toàn khu vực ASEAN, hơn 1.000 tập đoàn đã hợp pháp hóa phần mềm cho hàng ngàn máy tính PC trong nỗ lực của chiến dịch nhằm thuyết phục các CEO ở Đông Nam Á mua phần mềm chính hãng. Cho đến nay, các công ty Việt Nam tại 33 tỉnh thành đã hợp pháp hóa tài sản phần mềm của họ nhưng chỉ có 50 công ty là được ghi nhận có nỗ lực đáng kể. Thành phố Hồ Chí Minh đã hợp pháp hóa khoảng 30% so với Hà Nội.
BSA cảnh báo CEO của các tập đoàn không tuân thủ rằng các chính phủ ASEAN đang cùng hợp tác để thực thi luật bản quyền phần mềm. Các CEO không hợp pháp hóa phần mềm tại công ty họ có thể phải đối mặt với các hình phạt và vấn đề pháp lý khác.
Kể từ tháng 9, các CEO ở Indonesia, Philippines và Thái Lan đã phê duyệt lệnh mua phần mềm hợp pháp cho khoảng 6.000 máy tính. Dẫn đầu là Thái Lan và Philippines, một phần nhờ sự ra tay quyết liệt của lực lượng cảnh sát địa phương. Trong khi đó, các tập đoàn tại Việt Nam đã hợp pháp hóa được khoảng 200 máy tính.
Báo cáo của BSA chỉ ra rằng các tập đoàn ở Thái Lan và Philippines cùng nhau ghi điểm khá tốt trong chiến dịch này. Trong khi đó, tại Indonesia ghi nhận trường hợp có một tập đoàn đã tự hợp pháp cho hàng ngàn máy tính.
Khi chiến dịch kết thúc vào tháng 2/2020, BSA sẽ công bố kết quả quá trình hợp pháp hóa tại cả bốn quốc gia để các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp ở mỗi nước có thể đánh giá tiến trình tương ứng của họ. BSA dự đoán mức độ hợp pháp hóa phần mềm sẽ ngày càng tăng trong những tháng tiếp theo của chiến dịch.
Để tự bảo vệ khỏi các khủng hoảng trong tương lai, các công ty có thể sử dụng hệ thống quản lý tài sản phần mềm (SAM). Hợp pháp hóa phần mềm toàn diện sẽ giúp các tập đoàn ngăn chặn thiệt hại từ tấn công mạng, gia tăng năng suất, giảm thời gian chết do trì hoãn, quản lý giấy phép tập trung và thậm chí giảm thiểu chi phí nhờ các gói đăng ký sử dụng linh hoạt.