Bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục vẫn còn kháng thể sau 12 tháng
Theo các chuyên gia Nhật Bản, kháng thể vẫn tồn tại ở người từng nhiễm Covid-19 sau 12 tháng khỏi bệnh, đồng nghĩa với việc khả năng miễn dịch được duy trì trong ít nhất 1 năm.
Một người tiêm vaccine Covid-19 tại Kobe (Nhật Bản). (Nguồn: AFP)
Theo các nhà khoa học, sau khi tiêm vaccine Covid-19 và sau khi mắc Covid-19, cơ thể con người sẽ sản sinh các kháng thể trung hòa (nAbs). Một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia Nhật Bản cho thấy sau khoảng 1 năm khỏi bệnh, kháng thể vẫn tồn tại ở những người từng nhiễm Covid-19 và mạnh lên đáng kể khi người này được tiêm 1 mũi vaccine.
Do đó, một nhóm chuyên gia Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu về sự tồn tại của các phản ứng miễn dịch trong 12 tháng sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhóm chuyên gia đã thu thập mẫu máu của 358 bệnh nhân có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tất cả bệnh nhân đều sinh sống ở Nhật Bản, mắc Covid-19 từ tháng 1 đến tháng 5/2020, được đo nồng độ kháng thể vào tháng thứ 6 và thứ 12 sau khi mắc bệnh.
Kết quả là sau 12 tháng, khả năng bảo vệ của nAbs vẫn duy trì ở mức cao trong cơ thể của 61% số bệnh nhân mắc Covid-19, dù lượng kháng thể giảm dần theo thời gian. Đặc biệt, các kháng thể này phát huy hiệu quả đối với các biến thể được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách đáng quan ngại (VOC), trong đó có biến thể Delta và Alpha.
Kết quả này phù hợp với một nghiên cứu gần đây, qua đó cho thấy khả năng miễn dịch được tạo ra sau khi mắc Covid-19 tự nhiên được duy trì trong ít nhất 1 năm.
Phát hiện của nghiên cứu trên được đánh giá là khá quán trọng bởi một số nghiên cứu cho thấy biến thể Delta có thể “vô hiệu hóa” các phản ứng miễn dịch tự nhiên sau khi mắc Covid-19 hoặc sau khi tiêm vaccine phòng bệnh.
Nếu các nghiên cứu trước đây cho rằng một số yếu tố như béo phì, giới tính, hút thuốc có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh, thì nghiên cứu này không đề cập tới vai trò của các yếu tố này đối với sự tồn tại của nAbs 12 tháng sau khi khỏi bệnh.