5 loại trà dược dành cho người bị sỏi mật

Bệnh sỏi mật thuộc chứng hoàng đản (vàng da), hiếp thống (đau mạn sườn) trong y học cổ truyền… Một số loại trà thảo dược có thể tốt cho những người bệnh này.

trà dược dành cho người bị sỏi mật

1. Biểu hiện của bệnh sỏi mật

Chế độ dinh dưỡng, ăn quá nhiều chất béo và lối sống ít vận động là yếu tố thuận lợi gây nên bệnh.

trà dược dành cho người bị sỏi mật 2

Có hai biểu hiện chính khi bị sỏi mật:

Sốt: Thường sốt cao, rét run giống như một cơn sốt rét.
Đau dưới bờ sườn phải: Đau âm ỉ đôi khi có những cơn đau dữ dội, đau thường lan lên vai phải hoặc sau lưng.

Nếu là sỏi túi mật đơn thuần: Người bệnh có những biểu hiện ban đầu như nói ở trên, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời sẽ có những biến chứng như viêm quanh túi mật hoặc thủng túi mật, cần phải can thiệp ngay.

Viêm nhiễm từ túi mật sẽ lan sang đường mật ngoài và trong gan làm hạn chế lưu thông đường mật gây vàng mắt, vàng da, nước tiểu vàng (thuộc chứng hoàng đản trong y học cổ truyền).

Nếu là sỏi đường mật(trong hoặc ngoài gan): Biểu hiện đau và sốt, sợ lạnh thường kèm theo chứng hoàng đản xuất hiện khá sớm, chỉ sau vài ngày đau và sốt rét run.

Để phòng ngừa bệnh sỏi mật, cần phòng ngừa các nhiễm khuẩn đường ruột, nhất là nhiễm ký sinh trùng đường ruột bằng vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống.

Ăn ít chất béo, nhất là các chất béo có nguồn gốc động vật như mỡ, hạn chế đồ ăn có nhiều cholesterol như trứng gà, da gà, óc, tim…

Ăn chín uống sôi, không ăn rau sống, không uống nước lã, trước khi ăn phải rửa tay sạch sẽ.

Định kỳ xét nghiệm phân tìm trứng giun sán, nếu có phải tẩy giun. Nghi ngờ mắc bệnh sỏi mật phải đi khám ngay để được điều trị kịp thời.

2. Trà dược dành cho người bệnh sỏi mật

– Bài 1: Kim tiền thảo 200g, hoàng bá sao 100g, chỉ thực sao 90g, đại hoàng 50g.

Cách dùng: Tất cả tán vụn, mỗi ngày dùng 50g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt thông phủ, lợi mật tiêu sỏi.

Phương giải bài thuốc: Theo quan niệm của YHCT, thấp nhiệt kết tụ lâu ngày có thể tạo thành sỏi mật hoặc sỏi tiết niệu. Bởi vậy, trong điều trị phải lấy việc thanh nhiệt lợi thấp làm trọng. Kim tiền thảo và hoàng bá là hai vị thuốc đảm nhiệm rất tốt yêu cầu này. Cả hai phối hợp với nhau tạo nên công dụng chủ yếu của bài thuốc. Tuy nhiên, người bị viêm loét dạ dày, hành tá tràng không nên dùng.

Kim tiền thảo trị sỏi mật.

– Bài 2: Râu ngô 300g, nhân trần 150g, bồ công anh 150g.

Cách dùng: Tất cả tán vụn, mỗi ngày dùng 50 – 60g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt lợi thấp, lợi mật thoái hoàng.

Phương giải bài thuốc: Trong bài râu ngô, nhân trần và bồ công anh đều có công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc, lợi mật. Vì vậy, bài thuốc này dùng cho người bị sỏi mật, sỏi tiết niệu đều rất phù hợp. Theo nghiên cứu dược lý học hiện đại, râu ngô còn có tác dụng hạ áp và làm giảm đường máu, bởi vậy những người bị huyết áp thấp và hay bị hạ đường huyết không nên dùng.

trà dược dành cho người bị sỏi mật 3

Cây và vị thuốc sài hồ.

– Bài 3: Sài hồ 7g, chỉ xác sao 9g, hương phụ chế 9g, xích thược 10g, trần bì 6g.

Cách dùng: Tất cả sắc lửa to với nước trong 15 phút, sau đó ủ ấm, uống dần thay trà trong ngày.

Công dụng: Sơ can lý khí, tiêu bĩ chỉ thống dùng rất tốt cho những người bị sỏi mật hay có các cơn đau vùng hạ sườn phải.

Phương giải bài thuốc: Theo quan niệm của YHCT, sỏi mật có liên quan trực tiếp đến tạng can và phủ đởm, khi hoạt động sinh lý của hai cơ quan này bị rối loạn lâu ngày. Đông y thường gọi là chứng can đởm khí uất kết, thì sẽ phát sinh bệnh lý sỏi mật. Bởi vậy, trong điều trị phải chú ý sơ can, giải uất.

Sài hồ phối hợp với các vị khác như hương phụ, trần bì, xích thược. Mặt khác, theo nghiên cứu của dược lý học hiện đại, sài hồ còn có tác dụng trấn tĩnh, giảm đau, chống viêm và bảo vệ các tế bào gan, vì vậy trong bài thuốc này, sài hồ là vị thuốc quan trọng nhất và phối hợp với các vị thuốc còn lại hiệu quả chữa bệnh sẽ được nâng cao và toàn diện hơn.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp sỏi mật gây viêm nhiễm đường mật có sốt thì không nên dùng.

– Bài 4: Lá chè xanh 10g, hạ khô thảo 60g, kim tiền thảo 60g.

Cách dùng: Tất cả hãm với nước sôi trong bình kín, chia uống nhiều lần trong ngày.

Công dụng: Thanh nhiệt lợi thấp, lợi niệu thông lâm, bài thạch chỉ thống

Phương giải bài thuốc: Trong bài kim tiền thảo có tác dụng thanh nhiệt lợi niệu, thông lâm bài thạch. Hạ khô thảo có tác dụng thanh nhiệt giải độc, làm mát gan và chống kết ứ, lá chè có tác dụng thanh nhiệt lợi niệu. Cả ba vị phối hợp với nhau tạo nên hiệu quả bài thạch (trừ sỏi).

Tuy nhiên, những người có hội chứng âm hư như người gầy, môi khô miệng khát, hay sốt hâm hấp về chiều, lòng bàn tay, bàn chân nóng, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ thì không nên dùng.

– Bài 5: Kê nội kim (màng trong mề gà) 18g sao, kim tiền thảo 300g, uất kim 200g, tam lăng 100g.

Cách dùng: Tất cả tán vụn, mỗi ngày dùng 30 – 40g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Kiện tỳ tiêu thực, thông lâm, sơ can lợi mật.

Phương giải bài thuốc: Theo quan niệm của YHCT, kê nội kim lợi tỳ vị phối hợp với kim tiền thảo có công năng thanh nhiệt lợi thấp mạnh, uất kim sơ can, lý khí hoạt huyết tạo nên công dụng chung của bài thuốc là sơ can lợi mật.

Nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy kê nội kim có chứa gastrin có tác dụng tăng cường bài tiết dịch vị, cải thiện chức năng co bóp của dạ dày, đồng thời cũng tăng cường sự bài tiết và lưu thông dịch mật, góp phần phòng và chống sự hình thành sỏi mật.

Đặc điểm chung của các loại trà dược trên đây là rất đơn giản, dễ kiếm, dễ dùng và có hiệu quả ở những mức độ khác nhau, nhằm mục đích điều trị đơn thuần cho các bệnh khác ở mức độ nhẹ. Điều trị hỗ trợ đối với các thể bệnh khác. Dự phòng tái phát cho những người sau phẫu thuật và dự phòng cho những người có nguy cơ mắc sỏi mật.

Trà dược có thể được sử dụng như một thứ nước uống thông dụng và để đạt được hiệu quả như mong muốn, lẽ đương nhiên trà dược liệu pháp phải được dùng kiên trì và đều đặn.